MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sạt lở nghiêm trọng trên tuyến QL91. Ảnh: P.V

Chống sạt lở ở ĐBSCL: Loay hoay tìm giải pháp

TRẦN LƯU LDO | 27/08/2019 07:00
Trước tình trạng sạt lở hiện đang diễn ra ngày càng khủng khiếp, các địa phương ĐBSCL đã triển khai nhiều giải pháp để ứng phó; nhưng càng chống, bờ sông lại càng lở. Người dân bất an, chính quyền địa phương thì đau đầu tìm giải pháp…

Hơn 4.000 hộ phải di dời, thiệt hại hàng chục tỉ đồng

Tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng nghiêm trọng trên tuyến QL91 thuộc địa phận tỉnh An Giang. Đêm 31.7 và rạng sáng 1.8, QL.91, đoạn qua xã Bình Mỹ xảy ra sạt lở ăn sâu hơn một phần hai mặt đường, với chiều dài 85m, 15 hộ dân đã phải di đờ khẩn cấp.

Khoảng 5 giờ sáng, ngày 20.8, sạt lở tiếp tục ăn sâu vào mặt đường QL 91, đoạn sạt lở đã sụp hoàn toàn xuống sông Hậu, với chiều dài gần 30m. Đến sáng 21.8, vị trí sạt lở tiếp tục sụt lún, nứt sâu hơn vào vỉa hè và xuất hiện thêm nhiều vết nứt mới, phần mặt nhựa đường chỉ còn vài centimét cũng đã sụt lún thấp hơn bề mặt đường gần 10cm.

Chỉ tính riêng 8 tháng năm 2019, toàn tỉnh An Giang đã xảy ra 17 điểm sụt lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch với chiều dài 1.294m, ảnh hưởng đến 78 căn nhà phải di dời khẩn cấp (trong đó có 1 căn bị sụp một phần xuống sông). UBND tỉnh An Giang đã phải ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở trên tuyến QL.91.

Còn tại Đồng Tháp, 6 tháng đầu năm, tỉnh này đã xảy ra hàng chục vụ sạt lở với chiều dài hơn 15,8km, nhà dân cần di dời là 1.299 hộ. Đến nay đã di dời 10 hộ, còn lại 1.289 hộ cần sớm di dời, tập trung ở huyện Thanh Bình và Cao Lãnh.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.Cần Thơ, riêng trong 7 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn xuất hiện 20 điểm sạt lở, làm 28 căn nhà bị thiệt hại, với số tiền trên 12,7 tỉ đồng. Hiện trên toàn thành phố có 171 điểm có nguy cơ sạt lở, tổng số nhà cần phải di dời là 3.198 căn.

Bất an tìm “nơi ăn chốn ở”

Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân vùng sạt lở, các tỉnh, thành ĐBSCL đã xây dựng nhiều cụm, tuyến dân cư bố trí cho người dân về nơi ở mới. Tuy nhiên, phần lớn người dân lại cứ chen chúc nhau sống qua ngày ở nhà người thân, che chắn tạm bợ trên nền đất của bà con hoặc trú tạm tại các trường học. Một nghịch lý đang diễn ra là các cụm, tuyến dân cư ở các tỉnh như: Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang… lại bỏ hoang vì không có người ở.

Ghi nhận tại một khu dân cư có hơn 30 căn nhà bị bỏ hoang ở ấp Long Sơn (xã Thông Bình, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp), nhiều hộ dân đã tận dụng làm chỗ nuôi gà, chứa vật tư, nông cụ. Theo bà con, những năm gần đây, sạt lở bủa vây người dân đồng bằng, lũ nhỏ khiến nguồn lợi thủy sản theo đó cũng dần cạn kiệt, làm cho sinh kế của biết bao gia đình khó hơn bao giờ hết. Từ đó, nhiều người phải đi tìm vùng “đất hứa”, bỏ lại những khu dân cư nằm trơ trọi, đìu hiu. Không chỉ hoang vắng như “khu nhà ma” mà một số khu này còn tiềm ẩn ô nhiễm môi trường, phát sinh các vấn đề an ninh trật tự.

Ông Lê Hữu Phú - Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp - lý giải: “Người dân sống ở tuyến dân cư thường có thu nhập thấp, trong độ tuổi lao động nên họ chọn đi thành phố. Từ đó rất nhiều nhà cửa bỏ hoang, còn lại người già và trẻ nhỏ. Nhiều cụm, tuyến dân cư hiện chỉ có đường đi, thiếu hệ thống nước máy…

Do thiếu cát, phù sa ngày càng giảm

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - nhà nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL - cho biết, nguyên nhân chính của việc sạt lở ĐBSCL là sự mất cân bằng trên toàn hệ thống sông Mê Kông, tức là sự thiếu cát và phù sa. Nguyên nhân đằng sau là do các đập thủy điện chặn cát và việc khai thác cát trên sông Mê Kông ở tất cả các quốc gia từ Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Số liệu của Ủy hội Mê Kông quốc tế cho biết, so sánh giữa 1992 và 2014, tải lượng phù sa mịn của sông Mê Kông đã giảm 50%, từ 160 triệu tấn/năm xuống còn 85 triệu tấn/năm. Sau này nếu có thêm 11 đập dòng chính ở Lào và Campuchia thì tải lượng phù sa mịn sẽ giảm còn 42 triệu tấn/năm. Về cát, sau này nếu có thêm 11 đập dòng chính ở Lào và Campuchia thì 100% cát sẽ bị chặn lại, tức là sẽ không còn một hạt cát, viên sỏi nào về ĐBSCL nữa.

Trước tình trạng sạt lở trên tuyến QL91, tỉnh An Giang đã triển khai giải pháp ổn định mái dốc, sử dụng bao tải cát xử lý với tổng lượng cát 34.000m3. Ðơn vị thi công đã cho thả bao tải cát với tổng khối lượng hơn 26.000m3 xuống sông Hậu nhằm ổn định đường bờ, gia cố mái ta-luy để khắc phục sự cố. Tuy nhiên, đến ngày 19.8, công trình đang thi công thì tất cả bao tải cát có chiều cao hơn 1m so với mặt sông đã bị trượt sạt hết.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, dự án kiên cố hóa QL 91 với tổng chiều dài hơn 1.300m bảo vệ nhà cửa cho hàng chục hộ dân, dự toán kinh phí hơn 160 tỉ đồng. Việc chống sạt lở này phải kết hợp với chỉnh trị dòng chảy. Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân ban đầu được xác định là do địa hình đáy sông Hậu có lạch sâu áp sát bờ, tạo hàm ếch và tác động của các phương tiện giao thông gây ra sạt lở.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn