MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chống tin đồn, giả về COVID-19: Quy trình công bố cần nhanh, minh bạch hơn

Thanh Hải LDO | 12/03/2020 10:50
Tin giả, tin đồn về dịch COVID-19 tràn lan trên mạng. Hậu quả thông tin thất thiệt không chỉ gây lo lắng trong dân chúng, gây rối loạn xã hội, mà còn xúc phạm, kỳ thị, thậm chí "khủng bố" đến cá nhân, gia đình của nhiều người liên quan. Nhưng tin đồn thất thiệt, thiếu kiểm chứng cũng có một phần từ việc những thông tin chính thống còn chưa kịp thời.

Điều này thấy rõ trong việc chậm công bố trường hợp dương tính với SASR-CoV-2 của bệnh nhân Ng. số 35 tại Đà Nẵng.

Sau hơn 4 ngày tiếp xúc trực tiếp với 2 du khách người Anh tại nơi làm việc - cửa hàng Điện máy xanh, ngày 8.3 bệnh nhân Ng. đã sốt cao và có biểu hiện mắc dịch COVID-19 nên đến thăm khám ở bệnh viện Đà Nẵng. Ng. được cho ngoại trú. Ngày 9.3, khi biết 2 du khách Anh mà mình tiếp xúc trước đó dương tính với SASR-CoV-2, Ng. mới quay lại BV Phổi và được thu dung, cách ly. Ngay thời điểm này, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng (CDC) đã lấy mẫu, xét nghiệm.

Rất nhanh, hôm sau ngày 10.3 đã có ngay kết quả bệnh nhân Ng. đã dương tính với SASR-CoV-2.

Nhưng theo quy định của Bộ Y Tế, Đà Nẵng không được công bố kết quả xét nghiệm này. Dù từ 6.3, Bộ Y tế đã cho phép Đà Nẵng, Huế và một số địa phương khác được thực hiện xét nghiệm chẩn đoán bệnh viêm đường hô hấp cấp cho chuẩn mới vius Corona (COVID -19) gây ra. Nhưng khi phát hiện dương tính với virus SASR-CoV-2 thì phải chuyển mẫu đến Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm khẳng định. Và việc công bố cũng phụ thuộc vào Bộ Y tế.

Quy định hành chính là vậy, song thực tiễn chống dịch không cho phép địa phương khoanh tay "ngồi chờ" Bộ Y tế "vào số", công bố bệnh nhân 35 thì mới hành động. Ngay khi CDC Đà Nẵng có kết quả xét nghiệm Ng. dương tính với SASR-CoV-2, Đà Nẵng đã lập tức rà soát các cá nhân, địa điểm mà Ng. đã tiếp xúc gần, phân loại các F1, F2, F3... để cách ly, phun khử khuẩn, khuyến cáo người dân tự cách ly, theo dõi và kiểm soát bệnh...

Cuộc điều tra, phong tỏa cục bộ để làm vệ sinh dịch tễ diễn ra khẩn cấp, sôi sục cả ngày lẫn đêm trên diện rộng ở nhiều quận. Có đến 10 y, bác sĩ và nhiều chiến sĩ công an, nhân viên công vụ tham gia thăm khám, "truy vết" điều tra bệnh nhân Ng. buộc phải cách ly và lấy mẫu xét nghiệm ngay lập tức hôm 10.3...

Đến trưa 11.3, bộ Y tế mới chính thức công bố bệnh nhân Ng. là số 35.

Khoảng thời gian hơn một ngày chính là khoảng trống để "nuôi dưỡng", tạo điều kiện cho tin đồn thất thiệt sinh sôi và lan tràn. Nhiều gia đình, trong đó có các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng đã khốn đốn vì tin giả cho rằng họ mắc dịch COVID-19.

Từ thực tế đó, chiều 11.3, UBND TP.Đà Nẵng đã chủ động có công văn đề nghị Bộ Y tế cho phép địa phương được công bố kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 để chủ động và xử lý kịp thời trong phòng, chống dịch.

"Chống dịch như chống giặc". Việc nhanh chóng hơn trong quy trình và chủ động công bố ngay kết quả xét nghiệm, trong trường hợp bệnh nhân dương tính với virus SASR-CoV-2 sẽ giúp địa phương nhanh chóng thực hiện các biện pháp can thiệp y tế, cách ly, đồng thời giúp nhân dân đủ thông tin để phòng, chống dịch COVID-19. Một mặt góp phần quan trọng để chống tin giả, tin đồn thổi thất thiệt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn