MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
VECE vừa ra thông báo sẽ từ chối 2 phương tiện ô tô gây cản trở đi vào các đường cao tốc do VEC đầu tư.

Chủ đầu tư BOT có đủ thẩm quyền từ chối phục vụ ôtô đi vào cao tốc?

Huân Cao - Khánh Hoà LDO | 12/02/2019 18:28

Trong khi đại diện Công ty cổ phần dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VECE) xác nhận đã ra thông báo từ chối phục vụ 2 xe ôtô đi vào các cao tốc do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) đầu tư và khẳng định có quyền làm việc này, nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra  quanh thông báo này. Còn lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho biết đã yêu cầu VEC báo cáo về vấn đề trên.

VECE có quyền từ chối phục vụ khách hàng?

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Huyện Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho biết Tổng cục đã ra văn bản yêu cầu VEC báo cáo về vấn đề này và khẳng định chưa nhận được quyết định từ chối phục vụ 2 phương tiện trên của VEC.

Theo một lãnh đạo khác của Tổng cục Đường bộ, về nguyên tắc VEC chỉ có thể từ chối cung cấp dịch vụ với xe quá tải còn việc xử lý các xe bị cho là gây cản trở giao thông không thuộc thẩm quyền của VEC.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu – PCT Hội Luật gia, căn cứ Khoản 3 Điều 26 Luật giao thông đường bộ năm 2008, người điều khiển phương tiện xe ôtô 4 chỗ và 7 chỗ đi  trên đường cao tốc mà dừng xe không đúng quy định thì bị xử phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 6 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng. Đối với hành vi gây rối, cản trở giao thông thì có thể xử lý hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng”, còn đập phá tài sản thì sẽ quy vào tội “Hủy hoại tài sản của công dân, tổ chức”.

Trong khi đó, quyết định của VECE đã thu hút nhiều ý kiến trái chiều từ chuyên gia tới các chủ phương tiện. Chị Trần Bích Uyên, trú quận 2 (TPHCM) làm việc tại Truyền hình An Viên cho rằng, việc VEC từ chối 2 phương tiện trên thì không có gì là sai cả.

"Tiền của họ đầu tư, mình muốn đi đường cao tốc tốt thì phải trả phí và chấp hành các quy định của họ đưa ra. Ai cũng ngang ngược như 2 vị tài xế trên thì không những ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng cả những người tham gia giao thông khác." - chị Uyên nói

Còn trao đổi với PV Báo Lao Động, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM cho rằng, việc VECE thông báo từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 phương tiện giao thông trên các hệ thống đường cao tốc do VEC quản lý là vấn đề cần xem lại.

Theo luật sư Hậu, căn cứ vào Luật an toàn giao thông đường bộ thì không có quy định nào về quyền của chủ đầu tư đường cao tốc được quyền từ chối phục vụ đối với phương tiện giao thông vi phạm.

"Các phương tiện giao thông nếu có hành vi gây rối trật tự giao thông thì việc xử lý phải căn cứ theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ." - Luật sư Hậu nói.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu khẳng định VEC và VECE ra quyết định từ chối phục vụ 2 phương tiện ôtô của người dân đi vào cao tốc do mình đầu tư là trái luật.  

Luật sư Nguyễn Văn Thông - Đoàn luật sư TPHCM thì cho rằng, tuyến cao tốc là thuộc sở hữu của Nhà nước, VEC chỉ có quyền khai thác. Về tính pháp lý VEC được quyền từ chối xe quá tải đi vào theo quy định của pháp luật. Còn việc từ chối xe ôtô vi phạm, gây cản trở giao thông thì luật chưa quy định, nên VEC cũng không được quyền thi hành.

"Khi xảy ra mâu thuẫn giữa phương tiện và chủ đầu tư, thì cơ quan chức năng sẽ vào cuộc để bảo vệ quyền lợi của công dân, nhưng cũng đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư." - Luật sư Thông nói.

Từ chối phục vụ vì cáo buộc gây cản trở giao thông

VEC từ chối phục vụ 2 phương tiện ô tô đi vào các tuyến cao tốc do VEC đầu tư đã gây nhiều tranh cải.

Trước đó, trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Nguyễn Thị Hoài Phương - PGĐ Công ty cổ phần dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VECE) xác nhận, VECE đã thông báo về việc từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 2 xe ôtô được cho là gây cản trở trên đường cao tốc.

 "VECE thay mặt cho Tổng Công ty đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC), là chủ đầu tư đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây thông báo từ chối phục vụ vĩnh viễn trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý, khai thác đối với 2 xe mang biển kiểm soát TPHCM là 51A-55850 và 51G-77256." - bà Phương nói.

Thông cáo gửi báo chí của VECE về việc từ chối phục vụ 2 phương tiện bị cáo buộc là gây cản trở giao thông.
 

Theo bà Phương các tuyến cao tốc do VEC đầu tư đều không phải là tuyến đường độc đạo, mà luôn song song với tuyến đường hiện có. Vì vậy, các phương tiện đều có quyền lựa chọn cho mình tuyến đường đi, nhưng nếu chọn đi vào cao tốc do VEC đầu tư thì phải tuân thủ quy định của đơn vị đầu tư.

"Chúng tôi là đơn vị phục vụ, hai phương tiện đấy vào tuyến đường cao tốc do VEC đầu tư nhưng không tuân thủ theo quy định thì chúng tôi có quyền từ chối phục vụ." - bà Phương nói.

PGĐ VECE Nguyễn Thị Hoài Phương  cho rằng VEC đủ thẩm quyền để ra thông báo từ chối phục vụ này.

Bà Phương cũng khẳng định với PV Báo Lao Động, căn cứ vào Quyết định số 13/QĐ-VEC- HĐTV của Tổng Công ty VEC ban hành vào ngày 10.01.2019, thì VEC có đủ thẩm quyền trong việc từ chối phục vụ các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia vào tuyến cao tốc do VEC đầu tư.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn