MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lực lượng chức năng tiến hành khảo sát các hộ dân vùng lòng hồ Krông Pách thuợng (xã Cư San, huyện M'Đrắk, tỉnh Đắk Lắk) sau đợt mưa lũ vừa qua để lên phương án bồi thường. Ảnh: Bảo Trung

Chủ đầu tư chốt ngày di dời hết dân đến nơi tái định cư

BẢO TRUNG LDO | 05/12/2020 09:43
Người dân lòng hồ Krông Pách thượng - dự án thuỷ lợi hàng nghìn tỉ đồng do Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn (NNPTNT) đầu tư xây dựng chậm tiến độ ở Đắk Lắk - liên tục gánh chịu những đợt lũ lụt trong thời gian qua. Kết thúc buổi đối thoại gần 9 tiếng đồng hồ (từ 13h đến 21h) ngày 2.12, lực lượng chức năng đã giải đáp rất nhiều thắc mắc của bà con đối với các vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng (GPMB), hỗ trợ bồi thường thiệt hại do mưa lũ gây ra. Đặc biệt, chủ đầu tư hợp phần GPMB, di dân, bố trí tái định cư đã cam kết mốc thời gian sẽ di dời toàn bộ người dân vùng lòng hồ đến nơi ở mới...

Bồi thường thiệt hại trong 3 đợt bão, mưa lũ

Đại diện BQL dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông và NNPTNT Đắk Lắk (Ban A) thông tin, ngày 3.12, đơn vị đã cử người về lòng hồ Krông Pách thượng (xã Cư San, huyện M'Đrắk) để chi trả tiền bồi thường hoa màu, cây trồng cho bà con bị ảnh hưởng bởi đợt lũ lụt hồi tháng 8 vừa qua. Tổng số tiền được UBND tỉnh phê duyệt là hơn 300 triệu đồng. Trong đó, có một khoản tiền được trích ra để thuê thuyền máy và người lái đưa bà con sang bên bờ, di chuyển ra thị trấn được an toàn.

Tức, sau 3 tháng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, cuối cùng bà con cũng được chính quyền tỉnh Đắk Lắk chi tiền hỗ trợ, bồi thường tận tay. Sở dĩ chính quyền tỉnh Đắk Lắk phải chi tiền hỗ trợ, bồi thường cho người dân thôn 9, 10, 11 (xã Cư San) là do đã chấp nhận cho Bộ NNPTNT kế hoạch chặn dòng thi công vượt lũ đập đất số 1, thuộc cụm công trình đầu mối của dự án kể trên để đảm bảo tiến độ thi công. Đặc biệt, ở đập đất số 1, đơn vị thi công sẽ đắp đất tiếp đoạn còn lại của lòng sông dài 75m. Qua đó, nước sẽ chảy qua kênh dẫn dòng, cống lấy nước và tích tụ trong lòng hồ. Mưa lớn nhiều ngày sẽ gây ngập nặng cho khu vực kể trên.

Đến tháng 11, khu vực lòng hồ kể trên tiếp tục gánh liên tục 2 đợt lũ lụt nặng nề do ảnh hưởng của bão số 12 (ngày 9.11) và những ngày liên tiếp mưa lớn vào cuối tháng. Trong cả hai đợt lũ trên, nước đều dâng vượt mốc cao trình +480m, UBND xã Cư San lẫn UBND huyện M'Đrắk phải liên tục cử một lượng lớn quân số tiếp ứng, hỗ trợ người dân lòng hồ và di dời bà con vùng trũng đến nơi an toàn. Đặc biệt, đợt lũ ngày 30.11, hơn 100 hộ dân vùng lòng hồ buộc phải di chuyển đến nơi cao ráo hơn để lưu trú. Tài sản không kịp chuyển đi bị ngâm nước, thiệt hại khá nhiều.

Khi nước lũ hạ dần, tình hình khu vực trên trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết, bà con liên tục "gây sức ép" với chính quyền xã vì lũ lụt hoành hành khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn. Chiều ngày 2.12, đoàn công tác gồm các lãnh đạo của Ban A, BQL đầu tư và xây dựng thuỷ lợi 8 (phụ trách hợp phần xây lắp, Bộ NNPTNT), Công an tỉnh Đắk Lắk, Sở Thông tin Truyền thông tỉnh, Bí thư lẫn Chủ tịch UBND huyện M'Đrắk... đã vào tận lòng hồ đối thoại với người dân.

Kết thúc buổi đối thoại lúc 21h đêm cùng ngày, chủ đầu tư hợp phần GPMB, di dân, bố trí tái định cư hứa với người dân sẽ cùng Ban 8, ban tự quản các thôn lẫn UBND xã... tiến hành đo đạc, kiểm đếm bồi thường thiệt hại của bà con trong 2 đợt mưa lũ kể trên. Sau đó, Ban A sẽ tổng hợp, thống kê hoàn chỉnh để trình UBND tỉnh Đắk Lắk xin chủ trương cho phép cấp tiền bồi thường.

Cam kết của chủ đầu tư

Rất nhiều bà con sống trong vùng GPMB của dự án đã đợi chờ nhận tiền bồi thường và dời đến khu tái định cư mới đã 11 năm nay. Tức, chủ đầu tư cùng chính quyền xã, huyện cần phải khẩn trương làm nốt các công việc đang còn dang dở để đưa dân rời khỏi vùng dự án trước khi những đợt thiên tai khác lại xảy đến.

Ngày 3.12, trao đổi với Lao Động, ông Phạm Văn Hạ - Giám đốc Ban A - nhận định rằng: "Những tâm tư nguyện vọng mà bà con vùng lòng hồ nêu ra tại buổi đối thoại là chính đáng. Cơ chế, chính sách bồi thường cho bà con cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đặc biệt, tỉnh bồi thường cây trồng lâu năm cho bà con cũng ở một mức giá rất cao. Khu tái định cư được bố trí cho dân cũng rất chất lượng. Ở đó, họ có thể canh tác, gieo trồng hoa màu và có cả bệnh viện lẫn trường học.

Tôi mong muốn cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để tập trung làm cho xong việc bồi thường, di dời bố trí tái định cư cho dân đúng như chỉ đạo của Bí thư Tỉnh uỷ. Ngoài ra, chính quyền xã, huyện cần phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để giải quyết, thẩm định các phương án bồi thường. Đây là khối lượng công việc rất lớn, chủ đầu tư không thể một mình gánh vác nổi. Hiện tình hình mưa bão đang diễn biến rất phức tạp. Dân đang mong ngóng về khu tái định cư mới, càng khó khăn chúng ta càng phải quyết tâm hơn".

"Quý III vừa qua, kế hoạch của Ban A là phải kiểm đếm, đo đạc trích lục bản đồ khu vực trên và chậm nhất đến 15.12 sẽ làm xong toàn bộ. Đối với hệ thống kê bắc, nam cũng sẽ xong mốc thời gian trên. Nửa cuối tháng 12 và tháng 1.2021, đơn vị sẽ tập trung người làm công việc thẩm định phương án chi trả tiền bồi thường. Chúng tôi cam kết ngày 30.4.2021 sẽ di dời hết dân ở lòng hồ đến nơi tái định cư mới. Dự kiến số tiền vệ sinh lòng hồ sẽ là 10 tỉ đồng. Khi tích nước thì lòng hồ sẽ bị ôi nhiễm nặng, bởi vậy nên phải vệ sinh trước khi hoạt động. Việc vệ sinh vùng lòng hồ sẽ được tiến hành song song với GPMB để đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án như mốc thời gian đã đề ra" - ông Hạ phản hồi.

Từ giữa tháng 8 đến nay, Báo Lao Động liên tục đăng tải thông tin phản ánh những bất cập của dự án thủy lợi nghìn tỉ đồng hồ chứa nước Krông Pách thượng (tổng vốn đầu tư hơn 4.400 tỉ đồng) của Bộ NNPTNT đầu tư xây dựng ở Đắk Lắk. Đến đầu tháng 12, Ban A đã giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 được khoảng 50% nhưng hơn 600 hộ dân vùng lòng hồ vẫn chưa được chi tiền bồi thường cũng như di dời đến khu tái định cư mới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn