MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh tan hoang sau lũ quét ở Mù Cang Chải (Yên Bái). Ảnh: NGỌC HÀ

Chủ động ứng phó với mọi tình huống thiên tai

KHÁNH VŨ LDO | 29/03/2018 10:23
Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) diễn ra tại Hà Nội ngày hôm nay (29.3.2018), do Bộ NNPTNT tổ chức dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, có sự tham gia của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Trưởng BCĐ Trung ương về PCTT Nguyễn Xuân Cường, nhằm đánh giá toàn diện tình hình thiên tai; thực trạng về công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả; những vấn đề tồn tại và bất cập...

Thiên tai ngày càng diễn biến khốc liệt, khó lường

Theo Tổng cục Trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài, những năm gần đây, tình hình thiên tai trên thế giới và khu vực diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Tại Việt Nam, trong 20 năm qua, mỗi năm trung bình thiên tai làm trên 400 người chết và mất tích, thiệt hại vật chất khoảng 1-1,5% GDP và ảnh hưởng đến môi trường, điều kiện sống cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội, đồng thời tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước. Thiệt hại trên biển đã giảm, tuy nhiên thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi hiện có xu hướng gia tăng.

Năm 2017 là năm có số lượng bão kỷ lục với 16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) xuất hiện và hoạt động trên biển Đông, trong đó bão số 10, số 12 đổ bộ vào khu vực Bắc và Nam Trung Bộ và bão số 16 đi qua quần đảo Trường Sa với sức gió trên cấp 11-12 giật cấp 13-15 (rủi ro thiên tai cấp độ 4). Thiệt hại bão số 10 làm 6 người chết, 3.200 nhà bị sập, đổ, gần 200.000 nhà bị hư hỏng, tốc mái...

Về kinh tế thiệt hại khoảng 18.402 tỉ đồng; thiệt hại bão số 12 làm 123 người chết và mất tích, 3.550 nhà bị sập đổ, gần 300.000 nhà bị hư hỏng, 73.744 lồng bè nuôi thủy sản...

Về kinh tế khoảng 22.679 tỉ đồng. Thiên tai năm 2017 đã làm 386 người chết, 8.166 nhà bị đổ, trôi; 610.000 nhà bị ngập, hư hỏng và di dời khẩn cấp. Tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 60.000 tỉ đồng (tăng 300% so với trung bình nhiều năm).

Sạt lở bờ sông, bờ biển đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân tại các khu vực ven sông, ven biển, đặc biệt tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và dải ven biển một số tỉnh miền Trung như: Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Phú Yên, Bình Thuận, Cà Mau là khu vực tập trung đông dân cư và nhiều hoạt động kinh tế xã hội đang có tốc độ phát triển nhanh.

Hạn hán, xâm nhập mặn trong những năm gần đây diễn ra ngày càng phức tạp cả về phạm vi và cường độ, đã có trên 2 triệu người bị ảnh hưởng, 500.000 hộ dân thiếu nước sạch, 280.000ha lúa và hoa màu bị thiệt hại, 38.889ha cây công nghiệp bị thiệt hại (lần đầu tiên nông nghiệp tăng trưởng âm 0,18% trong 6 tháng đầu năm 2016); thiệt hại về kinh tế trên 15.700 tỉ đồng.

Nâng cao năng lực ứng phó với mọi tình huống thiên tai

Trước những nỗ lực của các cấp, các ngành, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương lực lượng PCTT, cứu hộ, cứu nạn đã vượt qua mọi khó khăn, không quản ngại hiểm nguy làm tốt công tác PCTT trong năm 2017. Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao những nghĩa cử cao đẹp, tinh thần tương thân tương ái của các tập thể, cá nhân và nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài kịp thời động viên, chia sẻ, ủng hộ cả vật chất và tinh thần để người dân vượt qua khó khăn, mất mát sau thiên tai.

Đồng thời, Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường và có thể xảy ra trên khắp các vùng miền trong cả nước, PCTT cần được xác định là một nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, DN và cộng đồng.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT - Trưởng BCĐ Trung ương về PCTT Nguyễn Xuân Cường nêu rõ: Để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, bảo vệ môi trường... tiếp tục phát huy những kết quả, kinh nghiệm đã có, trong thời gian tới cần tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp chính như: Tiếp tục kiện toàn tổ chức, phân công cụ thể thành viên BCĐ, Ban chỉ huy PCTT-TKCN các cấp; xây dựng quy chế làm việc, triển khai thực hiện nghiêm túc, bài bản, chịu trách nhiệm về nhiệm vụ được phân công; có kiểm điểm đánh giá việc thực thi nhiệm vụ; xây dựng kế hoạch PCTT các cấp gắn với xây dựng giải pháp, nhiệm vụ và kế hoạch thực hiện; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện Luật PCTT; tổ chức triển khai các Luật Thuỷ lợi, Luật Quy hoạch, Luật Khí tượng thuỷ văn và các văn bản hướng dẫn.

Theo Bộ NNPTNT, nước ta có khoảng 12.780km đê, trong đó có trên 2.800km đê biển và khoảng 10.190km đê sông (trên 2.700km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, còn lại là đê dưới cấp III). Hiện nay, với trên 2.700km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt cần được đầu tư, tu bổ thường xuyên hằng năm; hàng trăm cống dưới đê cũng cần được tu sửa, xây dựng mới... Nhưng nguồn kinh phí cấp qua Bộ NNPTNT để thực hiện hết sức ít ỏi: Năm 2017, chỉ bố trí được 50 tỉ đồng nên không đáp ứng được yêu cầu. Trong khi đó, những vị trí đã xảy ra sự cố do mưa lũ vừa qua, nếu không được xử lý cấp bách, kịp thời, khi gặp lũ lớn thì nguy cơ vỡ đê là hiện hữu. Điều đáng lo ngại là đã xuất hiện tư tưởng chủ quan, cho rằng, hiện nay các hồ chứa thủy điện đã cắt được lũ và đảm bảo an toàn cho hệ thống đê và vùng hạ du nên công tác quản lý bảo vệ đê điều cũng như công tác tu bổ hệ thống đê không được coi trọng đúng mức. Đặc biệt, đê tả Chu đang hết sức nguy hiểm, có nguy cơ bị vỡ nếu không được nâng cấp trước mùa mưa lũ mới. N.HÂN

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn