MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Bùi Văn Học và tờ biên lai thu tiền gần 57 triệu đồng đóng 4 năm 6 tháng BHXH còn thiếu. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chủ hộ kinh doanh cá thể thiệt thòi đủ đường

Nhóm phóng viên LDO | 23/05/2023 06:15
Sau khi Báo Lao Động phản ánh việc ông Nguyễn Viết Lâm - phường Phan Thiết, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang là chủ hộ kinh doanh cá thể (CHKDCT) khởi kiện Bảo hiểm xã hội tỉnh Tuyên Quang ra toà vì lí do không giải quyết đơn khiếu nại thì đã có thêm CHKDCT có hoàn cảnh như ông Lâm lên tiếng.

Mòn mỏi chờ chế độ hưu trí

Ngày 22.5, ông Bùi Văn Học (sinh năm 1960, thị trấn Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) cho biết, trước đây do gia đình kinh doanh đồ gỗ nội thất, nhôm kính nên có sử dụng người lao động. Sau khi cán bộ BHXH thị trấn Sơn Dương tới đề nghị gia đình phải đóng BHXH bắt buộc cho 3 người lao động thì ông Học đã thực hiện. 

“Sau khi thực hiện đóng BHXH bắt buộc cho người lao động thì tôi được cán bộ BHXH thị trấn Sơn Dương đề nghị tham gia BHXH bắt buộc với vai trò là CHKDCT và để về sau được hưởng hưu lương cao thì tôi phải đóng mức cao hơn người lao động.

Do đó, từ tháng 5.2004, tôi đã đóng BHXH với số tiền là 250.000 đồng/tháng; sau đó, mức đóng tăng đều theo từng thời kì; đến cuối năm 2019 tôi đóng mức 930.000 đồng/tháng. Tới năm 2020, tôi 60 tuổi - đến tuổi nghỉ hưu, nhưng do bị thiếu 4 năm 6 tháng đóng BHXH bắt buộc nên tôi chưa được nhận lương hưu” - ông Học cho biết.

Sau khi được cán bộ BHXH thị trấn Sơn Dương tư vấn, tháng 2.2020, ông Học gom được gần 57 triệu đồng để đóng bù cho 4 năm 6 tháng còn thiếu, và chờ đợi tới tháng 4.2020 thì sẽ được nhận lương hưu. 

Tuy nhiên, tới hết tháng 4.2020, ông Học không được nhận lương hưu. Lo lắng và bức xúc, ông Học đề nghị cán bộ BHXH tỉnh Tuyên Quang nói rõ nguyên nhân tại sao ông lại không được nhận lương hưu. Ông nhận được câu trả lời từ cán bộ BHXH là CHKDCT nên ông không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội nên chưa được giải quyết chế độ BHXH; BHXH tỉnh Tuyên Quang phải xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên nên mong ông thông cảm.

“Hơn 3 năm nay không được nhận chế độ hưu trí nên tôi không có thẻ BHYT. Nên phòng khi ốm đau, bệnh tật tôi phải bỏ tiền túi ra mua BHYT tự nguyện để khám chữa bệnh. Tính từ năm 2020 đến nay, tôi đã mất hàng triệu đồng để mua thẻ BHYT tự nguyện. Tôi thiệt thòi đủ đường” - ông Học ngán ngẩm cho hay.

Theo ông Học, ở thị trấn Sơn Dương có nhiều CHKDCT rơi vào hoàn cảnh tương tự như ông. Ông và các CHKDCT khác đang theo dõi rất sát vụ ông Nguyễn Viết Lâm kiện BHXH tỉnh Tuyên Quang. 

“Trong thời gian tới, nếu BHXH tỉnh Tuyên Quang không thực hiện chi trả quyền lợi hưu trí tôi sẽ làm đơn khởi kiện cơ quan này ra toà” - ông Học khẳng định.

Dừng thu BHXH bắt buộc đối với CHKDCT từ tháng 1.2020

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Lao Động, ngày 25.6.2004, BHXH Việt Nam đã có văn bản số 2131/BHXH-BT nhất trí cho thu BHXH bắt buộc đối với CHKDCT, qua đó số lượng người tham gia BHXH bắt buộc trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã tăng đáng kể.

Tuy nhiên, khi Luật BHXH được ban hành thì đối tượng là CHKDCT lại không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và thực hiện công văn số 1503/BHXH-BT ngày 27.4.2016 của BHXH Việt Nam về việc thu BHXH bắt buộc đối với CHKDCT, BHXH tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện không thu BHXH bắt buộc đối với CHKDCT phát sinh từ ngày 1.1.2016.

Tiếp đó, thực hiện công văn số 4116/BHXH-BT của BHXH Việt Nam về thực hiện chính sách BHXH bắt buộc đối với NLĐ và công văn số 4253/LĐTBXH-BHXH ngày 4.9.2019 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc thực hiện chính sách BHXH đối với NLĐ, BHXH tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện dừng thu BHXH bắt buộc đối với NLĐ là CHKDCT kể từ ngày 1.1.2020. 

Tuy nhiên, do không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn do đó vướng mắc trong việc giải quyết chế độ đối với nhiều CHKDCT, trong đó có trường hợp của ông Nguyễn Viết Lâm và ông Bùi Văn Học…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn