MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều chủ hộ kinh doanh cá thể đã đóng đủ 20 năm BHXH bắt buộc ở Tuyên Quang vẫn đang mòn mỏi chờ lương hưu. Ảnh: Nguyễn Tùng.

Chủ hộ kinh doanh ở Tuyên Quang mừng, lo 3 phương án xử lý thu sai BHXH

Nguyên Tùng LDO | 07/06/2023 09:31

Với nhiều chủ hộ kinh doanh bị thu BHXH bắt buộc sai quy định và đang mòn mỏi chờ nhận lương hưu, thì sự việc được đưa ra diễn đàn Quốc hội đã giúp họ như thấy được hi vọng, mừng là thế nhưng vẫn còn nhiều nỗi lo.

Mừng nhưng vẫn lo

Trực tiếp theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn (sáng 6.6) Quốc hội khoá XV trong đó có nội dung và phần trả lời của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung về việc hơn 4.000 chủ hộ kinh doanh cá thể bị thu sai BHXH bắt buộc, bà Lê Thị Hà (phường An Tường, TP. Tuyên Quang) rất mừng.

Bà Hà thuộc trường hợp chủ hộ kinh doanh tại tỉnh Tuyên Quang đã đóng đủ 20 năm BHXH bắt buộc nhưng hiện chưa được nhận lương hưu. Trước 3 phương án mà Bộ LĐTBXH đưa ra, bà Hà cho rằng, như vậy là hợp lý để cho các chủ hộ lựa chọn phù hợp với nguyện vọng của mình.

"Tôi chọn ngay phương án là chuyển toàn bộ số hộ kinh doanh này sang bảo hiểm bắt buộc. Bởi mục đích ban đầu tôi tham gia BHXH là để được hưởng đồng lương hưu khi về già" - bà Hà cho hay.

Vợ chồng bà Hà vẫn giữ những chiếc tờ rơi mà nhân viên BHXH Tuyên Quang đi phát để mời tham gia BHXH bắt buộc từ năm 2004.

Mặc dù vậy, bà Hà vẫn còn lo lắng: "Hiện tại thì cũng chỉ đang là đề xuất, không biết khi nào mới có được quyết định chính thức. Theo tôi thì Quốc hội hoặc Chính phủ nên có ngay 1 văn bản về việc này thì sẽ giúp chúng tôi yên tâm hơn".

Cùng chung suy nghĩ, ông Nguyên Việt Lâm (phường Ỷ la, TP. Tuyên Quang) người cũng đang mòn mỏi chờ nhận lương hưu cho rằng, cá nhân ông và nhiều chủ hộ sẽ chọn phương án được chuyển sang BHXH bắt buộc và đủ điều kiện nhận lương hưu theo quy định.

Ông Lâm cho biết: "Tôi đã phải đi vay mượn gần 300 triệu đồng đóng nốt 5 năm cho đủ 20 năm BHXH bắt buộc để được hưởng lương hưu nên đó là quyền lợi chính đáng mà chúng tôi phải được hưởng".

Ông Lâm phân tích thêm, nếu theo phương án chuyển sang bảo hiểm tự nguyện thì quyền lợi lại không được đảm bảo bởi có lương hưu nhưng lại không có bảo hiểm y tế.

"Còn với phương án thoái thu và trả lãi có thể sẽ thiệt thòi cho người đã đóng đủ, nếu để lấy lãi thì người ta thiếu gì chỗ gửi tiền. Mà hàng chục năm thế thì tính lãi thế nào. Giờ mới chỉ đang đề xuất, tôi lo sẽ còn phải đợi dài nữa" - ông Lâm cho hay.

Thông tin tới PV, BHXH Việt Nam cho biết, trong số hơn 4.000 chủ hộ kinh doanh bị thu BHXH bắt buộc sai quy định từ năm 2003 đến năm 2016 thì tỉnh Tuyên Quang chiếm nhiều nhất với 870 trường hợp, phần lớn đều đã đóng đủ 20 năm.

Cũng theo tìm hiểu của PV, trong số này có những người hiện đang mắc bệnh hiểm nghèo nhưng vẫn mòn mỏi chờ lương hưu. Họ lo lắng cho thời gian còn lại của mình.

Vẫn đang là đề xuất

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 6.6, bà Ma Thị Thuý (ĐBQH tỉnh Tuyên Quang) đã đưa ra vấn đề dư luận bức xúc về tình trạng thu sai bảo hiểm xã hội đối với chủ hộ kinh doanh cá thể. Đồng thời đề nghị Bộ trưởng Bộ LĐTBXH đưa ra hướng giải quyết.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: "Đây không phải là đối tượng quy định đóng bảo hiểm bắt buộc và việc thu sai này diễn ra suốt từ năm 2003 đến năm 2016. Chúng tôi cũng vừa mới kết thúc 8 đoàn kiểm tra của Ban Kinh tế Trung ương, Bộ LĐTBXH xung quanh vấn đề này".

Những cuộc làm việc của BHXH Tuyên Quang và các chủ hộ kinh doanh nhưng không có kết quả.

Về quan điểm cá nhân, ông Đào Ngọc Dung khẳng định: "Chúng ta phải đặt lợi ích của người lao động (NLĐ), của chủ hộ kinh doanh lên hàng đầu. Cơ quan công quyền làm sai thì cơ quan công quyền phải xin lỗi và xử lý theo quy định".

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đưa ra 3 phương án.

Thứ nhất, Bộ LĐTBXH đề xuất và tới đây nếu được Quốc hội cho phép thì chuyển toàn bộ số hộ kinh doanh này sang bảo hiểm bắt buộc để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.

Thứ hai là những trường hợp không muốn hoặc không có nhu cầu thì có thể chuyển sang bảo hiểm tự nguyện.

Trường hợp xấu nhất mà cả NLĐ lẫn cơ quan không đồng ý thì phải thoái thu, trả lại quyền lợi cho NLĐ và tính lãi như thế nào thì chí ít cũng phải tính bằng tăng trưởng mà Quỹ bảo hiểm đã và đang sử dụng để tăng trưởng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung vẫn cho rằng: "Quan điểm của cá nhân tôi thì một lần nữa nói là phải đặt quyền lợi, lợi ích của người lao động lên hàng đầu và thứ hai là nên khuyến khích và điều chỉnh chính sách để chuyển sang bảo hiểm bắt buộc là tốt nhất cho NLĐ để đảm bảo về già có lương hưu và có cuộc sống ổn định".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn