MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ cửa hàng cẩn thận kiểm tra mã QR mỗi ngày. Ảnh: Khánh An

Chủ quán ở Hà Nội tự quét mã QR mỗi ngày, đề phòng bị dán đè chiếm đoạt tiền

KHÁNH AN LDO | 02/10/2023 17:10

Trước chiêu trò dán đè mã QR thanh toán nhằm chiếm đoạt tài sản của một số đối tượng, các chủ cửa hàng tại Hà Nội đã chủ động nhắc nhở khách hàng và kiểm tra mã mỗi ngày.

Buổi sáng, sau khi quét dọn quán để mở cửa đón khách, chị Nguyễn Lệ Ái - chủ cửa hàng Photocopy tại đường Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa, Hà Nội) cầm điện thoại thông minh, tự quét mã QR thanh toán đang được dán trên nắp chiếc máy photocopy. Chỉ đến khi màn hình hiện ra đúng tên và tài khoản của mình, chị Ái mới cảm thấy yên tâm.

Nữ chủ quán cho biết, do khách hàng thường xuyên hỏi số tài khoản để chuyển khoản, nên cách đây hơn 1 năm, chị in 3 mã QR và dán tại 3 vị trí trong cửa hàng để khách hàng thuận tiện trong quá trình thanh toán. Thời gian gần đây, khi đọc được nhiều vụ việc liên quan đến việc dán đè mã QR, chị Ái bắt đầu cảnh giác.

Mỗi lần khách giơ điện thoại và chuẩn bị quét mã, chị Ái đều đọc to, rõ lại đuôi số tài khoản và tên chị để khách hàng kiểm tra xem đã chuẩn thông tin hay chưa. Sau khi khách hàng chuyển khoản xong, chị cẩn thận kiểm tra thêm một lần nữa trên điện thoại của mình.

“Tôi thấy thường những vụ dán đè mã QR sẽ xuất hiện ở những quán ăn, khi khách ra vào tấp nập, khó kiểm soát. Thế nhưng, cẩn thận không bao giờ là thừa. Bởi chỉ cần sơ hở một chút là những kẻ có ý định xấu sẽ dán đè lên mã” - nữ chủ quán nói.

Chị Hải Anh luôn cẩn thận kiểm tra mã QR trước khi bán hàng. Ảnh: Khánh An

Tương tự, chị Trần Hải Anh - chủ quầy bánh tại Chùa Láng (Đống Đa, Hà Nội) cũng có thói quen kiểm tra lại mã QR trước khi bán hàng. Chị Hải Anh cho biết, có những thời điểm khách tới mua đông, chị không có thời gian kiểm tra xem khách đã chuyển đúng tài khoản hay chưa. Vậy nên, việc kiểm tra mã QR trước khi bán hàng là rất quan trọng.

“Nếu bị dán đè mã, khách chuyển nhầm tài khoản thì không ai khác - người thiệt chính là mình. Vì khi đó mình cũng không thể bắt đền khách, yêu cầu chuyển khoản lại” - chị Hải Anh nói.

Chủ cửa hàng đề phòng sau nhiều vụ việc dán đè mã QR. Ảnh: Khánh An

Để đề phòng trường hợp bị dán đè mã QR, chị Nguyễn Nụ - một người bán đồ ăn sáng tại phố Phạm Văn Bạch (Cầu Giấy, Hà Nội) chỉ đưa tấm thẻ có dán mã QR cho khách hàng có nhu cầu. “Nếu khách nói muốn chuyển khoản, tôi sẽ giơ thẻ cho khách quét mã. Khách quét mã xong, tôi lại cất luôn vào túi” - chị Nụ nói.

Thời gian vừa, nhiều mã QR của cơ sở kinh doanh bị dán đè thành mã QR khác mà chủ quán không hề hay biết. Đã có nhiều người mua hàng chuyển từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng vào các tài khoản ngân hàng của kẻ xấu.

Mã QR xuất hiện tại hầu hết các cửa hàng trên địa bàn thành phố. Ảnh: Khánh An

Ông Nguyễn Duy Khiêm - đại diện Cục An toàn Thông tin, Bộ TTTT cho biết, nhu cầu sử dụng mã QR code tăng nhanh, đặc biệt sau đại dịch. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong năm 2022, mã QR code tăng cả về số lượng và giá trị. Về số lượng, thanh toán qua mã QR code tăng 225%, về giá trị tăng lên 243% so với năm 2021.

“Tình trạng lừa đảo bằng mã QR code tăng mạnh trên thế giới. Thậm chí ở Việt Nam cũng xuất hiện tình trạng này. Trong tháng 8, các ngân hàng đã phát đi cảnh báo tình trạng lừa đảo thẻ tín dụng thông qua mã QR” - ông Khiêm cho biết.

Ông Khiêm khuyến nghị người dùng cần cảnh giác với những mã QR code được chia sẻ trên mạng xã hội. Cần kiểm tra kỹ thông tin của những tài khoản trước khi chuyển tiền. Ngoài ra, cần xem xét các nội dung mà các trang web đưa tới khi quét mã QR code. Tuyệt đối không cung cấp đường link cá nhân, tài khoản ngân hàng khi quét mã.

Đối với các cơ quan, đơn vị tổ chức khi cung cấp mã QR code, cần cảnh báo tuyên truyền với người dùng và đưa ra những giải pháp xác minh với những giao dịch có dấu hiệu bất thường. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra các mã dán tại các điểm công cộng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn