MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành (đứng), là người đề ra những quyết sách bảo vệ rừng hiệu quả tại Tây Nguyên. Ảnh: ĐÌNH VĂN

Chủ tịch tỉnh ra quyết sách giữ rừng

ĐÌNH VĂN LDO | 26/10/2017 12:20
Tại Gia Lai, cây rừng liên tục ngã xuống. Lâm tặc công khai đem cưa lốc vào rừng đốn hạ gỗ vô tội vạ. Đặc biệt, đã xuất hiện tình trạng cán bộ kiểm lâm và chính quyền cấp cơ sở tiếp tay cho lâm tặc phá rừng.

Rừng mất, Chủ tịch tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành “đứng ngồi không yên”, ông đề ra các quyết sách giữ rừng hiệu quả, hơn thế, chỉ thị xử lý nghiêm cán bộ sai phạm, không bao che.

 Rừng liên tục “đổ máu”

Gia Lai vừa tịch thu hơn 1 ngàn mét khối gỗ cùng 114 phương tiện (xe máy cày, xe máy độ chế) dùng để phá rừng trái phép. Để chống “nhờn luật”, Gia Lai đã khởi tố 19 vụ (2 vụ/tháng) nhằm răn đe các lâm tặc có ý đồ phá rừng. Tuy vậy, 1 ngàn mét khối gỗ bắt giữ được chỉ là phần nổi, con số thất thoát thực sự lớn gấp rất nhiều lần. Vì đâu nên nỗi?

Chính báo cáo số 3905 (ngày 6.10) do Chủ tịch tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành ký, thẳng thắn nhìn nhận: “Tại các huyện Chư Pah, K’Bang, Mang Yang, Kông Chro tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái phép vẫn còn xảy ra dai dẳng. Đã xuất hiện tình trạng một số lãnh đạo chính quyền xã tự ý cho phép hoặc không có biện pháp ngăn chặn việc khai thác gỗ trái phép, lợi dụng danh nghĩa “làm nhà, sửa chữa nhà ở”.

Trung tuần tháng 7.2017, người dân xã Lơ Pang, huyện Mang Yang liên tục trình báo đến chính quyền nạn lâm tặc ồ ạt đốn hạ các cánh rừng. Gỗ ở đây bị tàn phá công khai. Cây cối xung quanh bật gốc, ngã rạp. Tiếng cưa xăng gầm vang cả núi đồi.

Rừng phá đến đâu, lâm tặc lại làm đường mòn đến đó. Chúng mở các con đường xương cá, rồi thản nhiên chọn cây to, gỗ tốt để đốn hạ. Thậm chí công khai dựng cả lán trại, trang bị chăn màn, xoong chảo, gạo, mắm muối cùng xăng nhớt và tập kết cưa lốc các loại.

PV phát hiện một bãi tập kết với hàng chục hộp gỗ dài 3-4m, vừa được xẻ thành lóng, nằm chồng lên nhau. Từ các bãi nhỏ, lâm tặc dùng xe máy độ chế chất gỗ lên xe, sau đó đem đến tập kết tại một bãi lớn, hoành tráng hơn để chờ máy cày đến chở, xuất đi.

Vì việc phá rừng này, tỉnh Gia Lai đã yêu cầu kiểm điểm, xử lý trách nhiệm UBND huyện Mang Yang, Hạt kiểm lâm và Cty lâm nghiệp Kon Chiêng vì để xảy ra phá rừng tiểu khu 572 thuộc lâm phần BQL dự án KFW 10 cùng tiểu khu 534 do Cty lâm nghiệp Kon Chiêng quản lý với 18 cây gỗ sến, song mã bị đốn hạ, với khối lượng lên đến 21,487m3.

Nạn phá rừng tại huyện Mang Yang xử lý chưa ráo mực, thì cuối tháng 7.2017, người dân làng Knol, xã Kon Gang (huyện Đắc Đoa, Gia Lai) cũng cấp báo lên chính quyền việc phá rừng tại tiểu khu 461. Hiện trường, nhiều cây bằng lăng, dổi, sao xanh bị cưa lốc đốn hạ, cây đã bị xẻ hộp với đường kính từ 60-80cm.

Khi Chủ tịch tỉnh ra tay... trấn áp

Cuối tháng 9.2017, đến lượt rừng tại huyện Kông Chro chảy máu. Những gốc cây bằng lăng bị cưa xăng phạt ngang, đổ gục. Tiếng cưa vang vọng cả khu vực. Đáng nói, khu vực phá rừng cách xã Chư Glong, và Chư Krêy (huyện Kông Chro) không xa. Hay trước đó, lâm tặc công khai vào rừng huyện Chư Pah đốn hạ 54 cây gỗ chò xót.

Rừng liên tục bị phá dù rằng Gia Lai triển khai nhiều biện pháp, do đó không thể không đặt nghi vấn cán bộ nhúng chàm, tiếp tay(!). Để cảnh tỉnh, Chủ tịch tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành đã phải mạnh tay chỉ đạo UBND các huyện Chư Pah, Mang Yang, K’Bang, Kông Chro kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân để xảy ra phá rừng từ đầu năm 2017 đến nay, yêu cầu báo cáo trước ngày 30.10.

Đồng thời, chỉ đạo Sở NNPTNT xử lý các Hạt kiểm lâm, cán bộ kiểm lâm để xảy ra vi phạm lâm luật trên địa bàn quản lý từ đầu năm đến nay, báo cáo trước ngày 10.11 để tỉnh xử lý.

Hơn nữa, yêu cầu báo cáo công cuộc khôi phục rừng từ năm 2016 đến nay hiệu quả đến đâu? Nếu không thì nguyên nhân tại sao, biện pháp nào khắc phục?

Để chặn nạn phá rừng, Chủ tịch Võ Ngọc Thành đã đề ra quyết sách chỉ đạo các huyện thị thanh, kiểm tra các cơ sở chế biến, mua bán gỗ tại địa bàn. Ông yêu cầu, các cơ sở chế biến buộc phải có nguồn gốc gỗ phải hợp pháp. Nếu trường hợp vi phạm, sẽ thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Chủ tịch huyện K’Bang Võ Văn Phán nhận xét: “Không những chỉ đạo nóng tại các cuộc họp, anh Thành còn trực tiếp vào tận rừng kiểm tra. Siết chặt việc đoàn kết trong công tác bảo vệ rừng, Chủ tịch tỉnh yêu cầu các Cty Lâm nghiệp, UBND xã, Công an và chính quyền huyện phải biết cách phối hợp đồng bộ từ khâu tuyên truyền đến đánh án, từ đó nạn phá rừng giảm đáng kể”.

Với vị trí đứng đầu tỉnh về mặt chính quyền, Chủ tịch các tỉnh Tây Nguyên đều có những chỉ đạo sát sườn công tác quản lý bảo vệ rừng, tuy vậy để đạt được hiệu quả như Gia Lai là điều không dễ. Đòi hỏi tất cả các cấp, các ngành cùng vào cuộc.

Với những chỉ đạo mạnh, hiệu quả của Chủ tịch tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành như đang làm được xem là một trong những tư lệnh quyết chiến với nạn phá rừng khu vực Tây Nguyên. Hy vọng rừng không còn “đổ máu”.

Trồng mới được hơn 4.000 hécta rừng

Tỉnh Gia Lai đã trồng mới được 4.029 hécta rừng (trong 9 tháng đầu năm) trong bối cảnh rừng liên tục bị thu hẹp. Việc chủ tịch tỉnh chỉ đạo phủ xanh đồi trống nhằm cân bằng lại hệ sinh thái, là tuân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp khôi phục rừng khu vực vùng Tây Nguyên.

Mất rừng, cần quy trách nhiệm cho chủ tịch huyện

Tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo ban hành văn bản số 2530: Chủ tịch huyện phải chịu trách nhiệm nếu địa phương xảy ra mất rừng. Dù nạn phá rừng xảy ra nhiều địa phương, nhưng chỉ có một Chủ tịch huyện nhận án kỷ luật khiển trách. Việc không xử lý trách nhiệm các địa phương khác đã dẫn đến sự so sánh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn