MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức) nước ngập và chảy xiết mỗi khi mưa lớn. Ảnh: Minh Quân

Chủ tịch TPHCM chỉ ra 5 nguyên nhân khiến thành phố chưa thể hết ngập

MINH QUÂN - HỮU HUY LDO | 08/12/2020 13:59

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, biến đổi khí hậu, lũ đầu nguồn, đất lún, công tác quản lý và ý thức người dân là các nguyên nhân gây ngập lụt trên địa bàn thành phố.

Ngày 8.12, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 23 HĐND TPHCM khóa IX, đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung đã đặt vấn đề ngập nước do triều cường với Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong.

“Chúng ta có nhiều công trình nhưng các tuyến đường ngập nước do triều cường khiến người dân rất bức xúc vì ảnh hưởng đến việc kinh doanh” – đại biểu Nhung nói.

Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung đặt câu hỏi chất vấn chủ tịch UBND TPHCM. Ảnh: Minh Quân

Trả lời đại biểu, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, để có giải pháp hiệu quả, trước hết, phải phân tích được nguyên nhân.

Nguyên nhân đầu tiên là do nước ở trên thượng nguồn đổ xuống. Thứ hai là do biến đổi khí hậu khiến thành phố phải chịu đựng những cơn mưa với vũ lượng lớn, kéo dài. Ngoài ra, triều cường ngày càng cao. “Tất cả diễn biến trong biến đổi khí hậu đều đến trước so với dự báo” – ông Phong nói

Nguyên nhân thứ ba gây ngập là do đất ở khu vực TPHCM ngày càng bị lún, có những nơi lún từ 5 - 7cm. Thứ tư là do công tác quản lý của thành phố. Tình trạng đô thị hóa quá nhanh, nhiều tuyến đường không có cống thoát nước. Công tác nạo vét kênh, mương còn bất cập.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong trả lời chất vấn. Ảnh: Hữu Huy

Nguyên nhân cuối cùng, theo Chủ tịch UBND TPHCM là do ý thức của một bộ phận người dân còn kém. “Tôi từng đi kiểm tra các điểm ngập, có những nơi dưới dòng kênh, lòng cống đầy rác. Trong công tác quản lý địa bàn đã để một số hộ dân xây dựng lấn chiếm trên hệ thống cống, làm ảnh hưởng dòng chảy khi mưa, triều cường” – ông Phong nói.

Do đó, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng việc chống ngập phải làm đồng bộ với giải pháp công trình và phi công trình mới giải quyết được vấn đề.

Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm hỏi chủ tịch UBND TPHCM về việc đến nay có người đứng đầu quận, huyện nào bị xử lý khi vỉa hè bị lấn chiếm tràn lan hay chưa?

Trả lời việc này, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, sau khi có Chỉ thị số 22 của UBND TPHCM về thực hiện công tác quản lý, sử dụng lòng lề đường, vỉa hè, bước đầu đã đạt được kết quả nhất định. Cứ 6 tháng UBND TPHCM đều có sơ kết đánh giá và lưu ý nhắc nhở các địa phương, phường xã chưa thực hiện yêu cầu, phải quan tâm đến công tác trật tự vỉa hè, lề đường. Đồng thời, thành phố giao quận, huyện xây dựng các tuyến, vỉa hè kiểu mẫu và cam kết thi đua.

"Trong thực tế, những phường nào làm tốt thì khen, nhưng đơn vị nào làm không tốt thì góp ý, phê bình. Vấn đề vỉa hè là cuộc vận động cần phải có thời gian, đòi hỏi sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Một mình chính quyền thì dọn dẹp đến đâu lại tái lại tình trạng như cũ nên phải có sự vận động vai trò của từng chi bộ, khu phố, phường xã thế nào mới đạt được kết quả” – ông Phong nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn