MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chủ yếu do thời tiết bất lợi

Phạm Đông LDO | 03/10/2019 09:51

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong tháng 9, nồng độ bụi PM2.5 tại Hà Nội tăng mạnh so với các tháng trước và cao hơn cùng kỳ những năm từ 2015 - 2019. Tiếp đó, lượng mưa cũng thấp nhất 6 năm trở lại đây chính là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, gây hại cho sức khỏe con người.

Chỉ số bụi ở Hà Nội cao nhất 5 năm qua

Ngày 1.10, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo về chất lượng không khí tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh trong tháng 9. Liên tục trong nhiều ngày, có những thời điểm chỉ số chất lượng không khí AQI của Hà Nội ở mức kém, tại TP Hồ Chí Minh cũng xuất hiện hiện tượng sương mù quang hóa gây cản trở tầm nhìn. Việc ra tăng mức độ ô nhiễm và hiện tượng sương mù quang hóa đã gây những ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng. Đây là hiện tượng thường gặp trong giai đoạn giao mùa. Chất lượng không khí chịu tác động rất nhiều của các yếu tố thời tiết kết hợp với các nguồn ô nhiễm vốn có.

Tại Hà Nội, trong thời gian vừa qua, chất lượng không khí liên tục có những ngày nồng độ bụi PM2.5 liên tục cao hơn 50, vượt ngưỡng cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT (trung bình 24 giờ là 50, trung bình năm 25). Tuy nhiên, các thông số khác (NO2, O3, CO, SO2) vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Số liệu của 13 trạm quan trắc tự động (1 trạm của Tổng cục Môi trường, 11 trạm của TP.Hà Nội, 1 trạm của Đại sứ quán Mỹ) cho thấy, từ ngày 12 - 17.9 chỉ số bụi PM2.5 liên tục tăng, tình trạng này tiếp diễn từ ngày 23 - 29.9. “Đặc biệt các ngày từ 25 - 29, tất cả các trạm đều có giá trị PM 2.5 trung bình 24h vượt quy chuẩn” - báo cáo chỉ rõ.

Kết quả quan trắc cho thấy, chỉ số chất lượng không khí tổng thể (AQI) trong trong 18 ngày trên thì chỉ có 5 ngày ở mức trung bình, còn lại đều ở mức kém (chỉ số lớn hơn 100). Từ ngày 23 đến 29.9, chỉ số AQI liên tục có xu hướng tăng (ô nhiễm) và đạt ở mức cao.

Về thời gian không khí xấu trong ngày, báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, “giá trị PM2.5 tăng và duy trì ở mức cao vào đêm và sáng sớm”. Từ ngày 25 đến 30.9, ghi nhận chỉ số AQI theo giờ ở một số trạm vượt ngưỡng xấu (ngưỡng 200).

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết AQI theo giờ ở mức xấu chỉ mang tính thời điểm và ở một số trạm quan trắc nhất định. Qua đối chiếu cho thấy nồng độ bụi PM2.5 giai đoạn 2013 - 2019 có xu hướng giảm. Tuy nhiên, tháng 9.2019 nồng độ bụi này tăng mạnh so với các tháng trước đó và cao hơn cùng kỳ những năm từ 2015 - 2019.

Chỉ số bụi vẫn có thể duy trì ở mức cao

Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, xu hướng biến đổi nồng độ bụi ở miền Bắc (trong đó có Hà Nội) phụ thuộc nhiều vào điều kiện khí hậu. “Khoảng thời gian này đang giao mùa, có hiện tượng nghịch nhiệt. Sáng sớm gió lặng khiến việc khuếch tán các chất ô nhiễm thấp”, báo cáo trên chỉ ra và cho rằng việc đốt rơm rạ ở ngoại thành Hà Nội cũng là nguyên nhân khiến không khí ô nhiễm. Ngoài ra, lượng mưa trung bình tháng 9.2019 thấp nhất trong 6 năm trở lại đây (nhiều ngày Hà Nội không có mưa) cũng được cho là một trong số những nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng ô nhiễm không khí.

Ông Tạ Ngọc Sơn - Phó trưởng phòng Tổng hợp Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, ngoài các nguồn gây ô nhiễm từ hoạt động giao thông, xây dựng, có nguyên nhân từ điều kiện khí hậu bất lợi, các nguồn ô nhiễm không khuếch tán được. Với các nguồn gây ô nhiễm không khí từ xe cộ, xây dựng, cần phải có lộ trình mới có thể giảm được. Tuy nhiên, những giải pháp về thí điểm hạn chế phương tiện cá nhân với mục tiêu giảm ùn tắc, giảm nguồn phát thải gây ô nhiễm, dư luận cũng chưa ủng hộ.

Ông Tạ Ngọc Sơn cũng cho biết, Sở Tài nguyên - môi trường đã tổ chức đợt kiểm tra các huyện ngoại thành nhằm tuyên truyền, đề nghị chính quyền địa phương, tổ chức, đoàn thể vào cuộc để ngăn chặn tình trạng đốt rơm rạ.

Ông Vũ Văn Giáp - Phó giám đốc Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai - cho hay, vào những thời điểm chất lượng không khí xấu, chỉ số ô nhiễm cao thì tần suất bệnh nhân nhập viện do các căn nguyên tim mạch, hô hấp cũng tăng cao. Ông Giáp cũng dẫn các nghiên cứu cho đến nay của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho biết ô nhiễm không khí liên quan tới 30% ca tử vong do ung thư phổi, 25% các ca đột quỵ não và bệnh lý tim mạch. Riêng bệnh lý hô hấp, có đến 435 ca tử vong do bệnh lý hô hấp là có liên quan tới ô nhiễm không khí. Tương tự, các bác sĩ da liễu và nhãn khoa lo ngại ảnh hưởng của ô nhiễm không khí lên da và mắt. Số người vào viện khám các bệnh lý về da cũng gia tăng gần đây.

Theo ông Giáp, để giữ cho môi trường trong sạch, mỗi người một việc nhỏ sẽ chung tay bảo vệ môi trường: Trồng thêm cây xanh, giảm đốt nhang, vàng mã, người dân ngoại thành ngưng đốt rơm rạ…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn