MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT). Ảnh: Đ.C

Chưa cần lùi lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2021

Đặng Chung LDO | 06/05/2021 15:01

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 với việc xuất hiện nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng, đến nay đã có 13 tỉnh, thành quyết định cho học sinh toàn tỉnh, hoặc một số khu vực tạm dừng đến trường. Có cần thiết phải kéo dài thời gian kết thúc năm học, điều chỉnh kế hoạch tổ chức các kỳ thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp THPT năm 2021… là những quan tâm, băn khoăn của học sinh và phụ huynh. Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) về vấn đề này.

“Việc kiểm tra, đánh giá định kỳ diễn ra tại trường học là tốt nhất”

 Hiện nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hà Nam, Hưng Yên, Đà Nẵng… đã thông báo cho học sinh tạm dừng đến trường đến khi có thông báo mới. Bộ GDĐT có tính đến chuyện điều chỉnh kế hoạch năm học 2020-2021 không, thưa ông?

- Theo khung kế hoạch của Bộ GDĐT, ngày 31.5 mới kết thúc thời gian năm học, hiện tại quỹ thời gian vẫn còn gần 4 tuần. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 nên nhiều địa phương đã tạm dừng đến trường, cho học sinh ở nhà và triển khai hình thức dạy học trực tuyến.

Về vấn đề dạy học trực tuyến, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT, quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, các trường hoàn toàn có thể áp dụng. Hơn nữa, dựa vào kinh nghiệm giảng dạy của giáo viên, tâm thế sẵn sàng của học sinh và những trang bị về phương tiện học trực tuyến trong năm qua thì các địa phương đã hoàn toàn chủ động triển khai.

Đặc biệt, Thông tư cũng quy định, việc tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ được thực hiện tại cơ sở giáo dục trong điều kiện học sinh có thể đến trường. Chỉ trong trường hợp bất khả kháng, hình thức kiểm tra, đánh giá định kỳ kết quả học tập bằng hình thức trực tuyến mới được triển khai và do hiệu trưởng nhà trường trực tiếp quyết định.

Theo yêu cầu của Thông tư, khi thực hiện kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh bằng hình thức trực tuyến, các trường cần có các biện pháp đảm bảo độ chính xác, khách quan, trung thực, đặc biệt đánh giá đúng năng lực của từng học sinh.

 Như ông nói, các trường được phép tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ kết quả học tập theo hình thức trực tuyến trong trường hợp bất khả kháng. Tuy nhiên, không ít ý kiến bày tỏ về việc thiếu công bằng và lo ngại về chất lượng, ông có quan điểm gì về vấn đề này?

- Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT đã quy định, khi các trường tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ kết quả học tập bằng hình thức trực tuyến thì các trường cần có biện pháp đảm bảo đánh giá khách quan, trung thực và đánh giá đúng năng lực của học sinh. Vì vậy, các trường cần có phương án đảm bảo bài thi đó là do học sinh làm, không nhờ sự hỗ trợ của người khác - đây là điều hết sức quan trọng.

Hơn nữa, trong quy định của Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT, Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT đã quy định rất rõ về các hình thức kiểm tra đánh giá định kỳ. Trong đó, có việc kiểm tra đánh giá bằng bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính. Ngoài ra, có bài kiểm tra dưới hình thức thực hành hoặc dự án học tập. Như vậy, tùy theo điều kiện của nhà trường với môn học cụ thể để đưa ra hình thức kiểm tra, đánh giá định kỳ phù hợp và đảm bảo khách quan, trung thực.

Cụ thể, trong thời điểm này, các trường kiểm tra, đánh giá định kỳ kết quả học tập trên máy tính thì cần thiết kế đề thi phù hợp, đánh giá đúng năng lực học sinh. Đặc biệt có biện pháp theo dõi quá trình làm bài của học sinh. Ngoài ra, với các môn khác, có thể thực hiện kiểm tra, đánh giá bằng hình thức thực hành hoặc dự án học tập.

Theo đó, học sinh sẽ có khoảng thời gian làm bài nhất định và việc trình bày, báo cáo kết quả này qua hình thức trực tuyến phải đảm bảo trung thực bằng cách ghi hình lại.

Một năm học có 4 bài kiểm tra đánh giá định kỳ kết quả học tập của học sinh là bài kiểm tra giữa kỳ 1, giữa kỳ 2 và bài kiểm tra cuối kỳ 1, cuối kỳ 2. Trong kiểm tra, đánh giá định kỳ học sinh, chúng ta sẽ không quy định học sinh phải thi mà có thể linh hoạt dưới các hình thức thực hành hoặc dự án học tập.

Chưa cần lùi lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2021

 Chỉ còn 2 tháng nữa là diễn ra Kỳ thi tốt nghiệp THPT, theo ông trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay có đảm bảo tiến độ thi như kế hoạch không?

- Trước hết, theo khung kế hoạch của Bộ GDĐT, ngày 31.5 mới kết thúc thời gian năm học, hiện tại quỹ thời gian vẫn còn 4 tuần. Hơn nữa, chúng ta đã chuẩn bị ứng phó với tình hình COVID-19, là tổ chức dạy học trực tuyến nếu như học sinh không thể đến trường.

Đặc biệt, thời điểm này cũng tương đồng với thời điểm năm ngoái, nhưng chúng ta đã huy động tất cả vốn liếng đã có cho năm nay. Vì vậy, chắc chắn chương trình sẽ hoàn thành theo đúng yêu cầu là trước 31.5.

Như vậy, sau khi hoàn thành chương trình, tất cả các kế hoạch còn lại như thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp THPT sẽ thực hiện theo đúng kế hoạch. Hy vọng rằng, nước ta có thể khống chế tình hình COVID-19 trong thời gian ngắn sắp tới và mọi kỳ thi sẽ thực hiện theo đúng kế hoạch mà Bộ GDĐT đã ban hành. Trong trường hợp xấu hơn, Bộ GDĐT cũng đã chuẩn bị các phương án, kịch bản để tổ chức kỳ thi trong điều kiện dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên.

- Cảm ơn ông đã chia sẻ!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn