MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mặc dù chưa có giấy phép, chủ đầu tư vẫn xây chùa từ 3 năm nay tại xã Xuân Hải.

Chùa cổ do nữ đại gia tài trợ xây lại bị đổi tên:Xây chùa không phép là sai

QUANG ĐẠI LDO | 19/07/2019 19:06

Liên quan đến vụ việc chùa “khủng” do nữ đại gia xây dựng tại xã Xuân Hải (huỵện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), đại diện cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo tại địa phương thừa nhận thủ tục liên quan còn nhiều thiếu sót.

Về quy trình, thủ tục xây dựng chùa, cơ sở tôn giáo, ông Phan Văn Lĩnh - Trưởng Phòng Nội vụ huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho biết gồm nhiều bước: Tờ trình của thôn, xóm, hội người cao tuổi, có xác nhận của chính quyền cấp xã; sau đó có đề nghị của Ban Trị sự Phật giáo huyện; UBND huyện lấy ý kiến của các phòng ban, đơn vị, gửi tờ trình, hồ sơ vào tỉnh; tỉnh xem xét quyết định chấp thuận. 

Sau đó là các thủ tục về đất đai, xây dựng, giấy phép xây dựng… theo quy định về lĩnh vực xây dựng công trình.

Một số hạng mục đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Ảnh: PV

Đối chiếu với các quy định nói trên, thủ tục liên quan đến chùa Vĩnh Phúc ở xã Xuân Hải mới chỉ dừng lại ở cấp huyện, chưa gửi hồ sơ vào tỉnh, chưa biết khi nào thì xong.

Tuy nhiên, công trình chùa đã khởi công, xây dựng 3 năm qua, đang đi vào giai đoạn hoàn thiện mà chưa có các thủ tục về quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền, giấy phép xây dựng….

“Quá trình làm chùa đó, địa phương có báo cáo, chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo hướng dẫn xã và nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục liên quan. Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo để bảo đảm đúng quy định”, ông Lĩnh nói.                         

Về việc thay đổi tên chùa, ông Lĩnh cho biết do chưa có văn bản chính thức nên không nắm được.

Đại diện Ban Tôn giáo - Sở Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh cho biết có nghe về việc xây dựng chùa Vĩnh Phúc tại xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân. Vị này cho biết, hồ sơ đề nghị khôi phục chùa Vĩnh Phúc còn vướng mắc, chưa làm xong, nhưng hiện nay họ đã xây dựng rồi. “Trường hợp này họ làm như vậy là sai”, vị cán bộ nói trên xác nhận.

Tuy nhiên, vị này cho hay có thể do nhà tài trợ có quan hệ với địa phương, và nhu cầu tâm linh nên người dân cũng đồng thuận, nên địa phương tạo điều kiện cho làm.                        

Vị cán bộ nói trên cho hay công tác quản lý nhà nước về tôn giáo tại Hà Tĩnh là chặt chẽ, không phải “có tiền mang về là xây được chùa”, trường hợp ở Xuân Hải là cá biệt. Nói về xử lý việc xây chùa không phép, vị cán bộ nói trên cho hay thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp xã, huyện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn