MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sau gia cố đoạn sạt lở bờ bao ấp Phước Hiệp, UBND xã Lộc Hòa tiến hành bê tông hóa tuyến đường giao thông trước khi kết thúc năm 2023. Ảnh: Hoàng Lộc.

Chưa kịp bê tông hóa, đường giao thông đã bị sạt lở

HOÀNG LỘC LDO | 24/06/2023 12:10

Một đoạn bờ bao sông Ông Me Nhỏ qua ấp Phước Hiệp, xã Lộc Hòa, huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long) đã bị sạt lở dài hơn 40m, ăn sâu vào đất liền 3m ảnh hưởng đến quá trình thực hiện bê tông hóa các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã.

Ngày 23.6, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, bà Lê Thị Bình Cư - Chủ tịch UBND xã Lộc Hòa thông tin, ngay sau vụ sạt lở ngày 21.6, Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn xã Lộc Hòa đã dùng phương châm 4 tại chỗ thực hiện di dời tài sản có giá trị đến nơi an toàn, gia cố đoạn bờ bao, rất mai đoạn sạt lở không ảnh hưởng trực tiếp đến nhà dân nên không thiệt hại về người.

Đoạn bờ bao sạt lở dài hơn 40m, sâu vào mặt đất hơn 3m, ảnh hưởng đến việc bê tông hóa các tuyến đường giao thông nông thôn xã Lộc Hòa, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Hoàng Lộc

Bà Bình Cư cho biết thêm, đây là đoạn đường nông thôn nối liền 2 ấp An Hiệp, Phước Hiệp dài hơn 1,2km, trước đó đã thực hiện bê tông hóa hơn 0,5km, đoạn đường còn lại sẽ được thực hiện trong năm nay, tạo điều kiện thuận lợi để người dân giao thương hàng hóa phát triển kinh tế.

Dọc tuyến bờ bao này có hơn 30 hộ dân sinh sống, người dân đã ý thức trồng bần, rào lục bình để tạo bồi lắng. Tuy nhiên sự cố sạt lở đã xảy ra, khiến người dân lo lắng.

Ông Đào Anh Minh người dân ấp Phước Hiệp cho biết: “Cách đây hơn 1 tuần đã xảy ra tình trạng sạt lở một đoạn bờ bao dài hơn 20m liền kề đoạn sạt lở này, cộng cả 2 đoạn dài hơn 60m làm ảnh hưởng trực tiếp đến gần 20 công (20.000m2) đất trồng cây ăn trái của của một số hộ gần điểm sạt lở”.

Hiện nay, UBND xã Lộc Hòa đang tiến hành gia cố để kịp thời bê tông hóa tuyến đường trước khi kết thúc năm 2023. Ảnh: Hoàng Lộc

Đối với hộ ông Nguyễn Minh Đức là một hộ gia đình bị 2 đoạn sạt lở ảnh hưởng trực tiếp nhưng đó là ngôi nhà ông đang ở tạm trên đất công của xã Lộc Hòa.

Ông Đức kể lại: “Dấu hiệu sạt lở ở đoạn mới chỉ xuất hiện vào buổi chiều hôm trước (20.6) thì sáng hôm sau xảy ra. Vụ sạt lở xảy ra rất nhanh, kéo theo 2 cây bần và một số cây ăn trái trồng cặp mé bị cuốn hết xuống sông, thật nguy hiểm”.

Chủ tịch UBND xã Lộc Hòa thông tin thêm, hiện tại địa phương đã tiếp hành gia cố đoạn bờ bao bằng đóng cọc tràm, cọc dừa, sẽ tiến hành bê tông hóa trước khi kết thúc năm 2023.

Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh này đã có gần 100 điểm sạt lở lớn, nhỏ mà nhiều nhất là ở 3 địa phương: Trà Ôn, Long Hồ, Mang Thít, tình trạng sạt lở khiến nhà cửa, đất đai, tài sản… của người dân bị trôi sông. Theo ông Lưu Nhuận - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh Vĩnh Long, sạt lở có nhiều nguyên nhân, như do tác động của con người dẫn đến thiếu lượng phù sa bồi đắp các bờ sông, công tác quản lý xây dựng chưa chặt còn để xây dựng nhà ở cặp các mé sông làm tăng trọng tải nên dễ dẫn đến sạt lở. Đầu mùa mưa sự chênh lệch cột nước cao nên việc sạt lở cũng một phần do nguyên nhân này...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn