MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TPHCM đang xây dựng phương án di chuyển với từng tỉnh Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh. Ảnh: Huyên Nguyễn

Chưa thống nhất phương án chung di chuyển giữa TPHCM và 4 tỉnh giáp ranh

Huyên Nguyễn LDO | 07/10/2021 18:58
TPHCM chưa thể thống nhất phương án di chuyển chung với 4 tỉnh giáp ranh. Hiện, Sở Giao thông Vận tải thành phố đang xây dựng phương án riêng với từng tỉnh. 

Sẽ có phương án riêng cho từng tỉnh

Tại họp báo chiều 7.10, ông Bùi Hoà An - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM - cho biết, hiện tại, sở nhận được khoảng 9.000 hồ sơ xin giải quyết đơn di chuyển liên tỉnh. Trong số này, sở đã giải quyết được khoảng 1/3. Hôm nay, sở cũng đã có văn bản hướng dẫn đăng ký hỗ trợ di chuyển trong trường hợp cần thiết.

Đối với việc lưu thông giữa TPHCM với các tỉnh, ông Hoà An cho hay, việc này phụ thuộc vào công tác kiểm soát phòng chống dịch của các tỉnh. Ngày 1.10, TPHCM đã gửi văn bản tới các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh để đề nghị thống nhất phương án chung nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động di chuyển giữa TPHCM với các tỉnh để khôi phục sản xuất an toàn, trong văn bản có nêu các phương án di chuyển.

Ông Bùi Hoà An - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM - thông tin về phương án di chuyển tại họp báo chiều 7.10. Ảnh: Thành Nhân

Theo ông An, đến nay, đã nhận được góp ý của các tỉnh. Tuy nhiên, phương án của các tỉnh khác nhau về điều kiện y tế, xét nghiệm, tiêm vaccine. Do đó, đến giờ này không thể thống nhất được phương án chung đi lại với 4 tỉnh trên. Do đó, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đang xây dựng lại phương án di chuyển theo hướng giữa TPHCM và từng tỉnh. Dự kiến sẽ có phương án trong ngày 8.10.

Về câu hỏi, hiện nhiều người lao động chưa được tiêm vaccine thì có được quay trở lại TPHCM hay không, ông An trả lời: TPHCM đã có phương án vận chuyển người lao động giữa các tỉnh đến TPHCM làm việc, trong này có yêu cầu người mắc COVID-19 hoặc đã tiêm chủng ít nhất 1 mũi 14 ngày đối với vaccine tiêm 2 mũi. Do đó, người lao động phải đáp ứng yêu cầu trên.

Đối với người lao động thuộc các đơn vị sản xuất kinh doanh ngoài khu công nghiệp khu chế xuất muốn trở lại TPHCM thì những đơn vị này phải gửi phương án vận chuyển tới cơ quan đầu mối là UBND TP.Thủ Đức và các quận huyện, ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp… để Sở Giao thông Vận tải tổng hợp triển khai. Phương tiện di chuyển đón người lao động phải là xe ôtô có đăng ký kinh doanh, Sở Giao thông Vận tải TPHCM sẽ cấp mã QR để phương tiện di chuyển và thông báo tới các tỉnh, thành phố, sở giao thông vận tải để phối hợp thực hiện.

28/234 chợ truyền thống hoạt động trở lại

Ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM - cho biết, có 28/234 chợ truyền thống tại TPHCM đã mở lại, tập trung vào các quận như quận 5 (5 chợ ) Củ Chi (7 chợ) và Cần Giờ (8 chợ). Dự kiến ngày 8.10, thêm 3 chợ nữa được mở lại.

Về nguồn hàng về chợ đầu mối, ông Tú cho hay, loại hình này chưa hoạt động trở lại nhưng có khu tập kết trung chuyển hàng đang hoạt động ổn định, nguồn hàng về TPHCM tăng dần so với trước ngày 1.10.

Cụ thể, trước 1.10, thành phố có 800-900 tấn/ngày, nay tăng lên 1.100-1.200 tấn/ngày.

Về khó khăn của các địa phương, ông Tú nói rằng, Sở Công Thương chưa nhận được phản ánh về khó khăn trong mở lại chợ truyền thống. Các quận, huyện, TP.Thủ Đức đang khẩn trương rà soát để đảm bảo an toàn khi mở lại chợ cho người dân mua sắm.

Về các hàng quán rong, các chợ tự phát đặc biệt là khu vực xung quanh chợ truyền thống đã hoạt động mà không đảm bảo an toàn phòng chống dịch, ông Tú mong muốn người dân không ủng hộ, mua sắm tại các hàng này bởi nguy cơ lây lan dịch bệnh. Các cơ quan chức năng sẽ tăng kiểm công tác kiểm tra, kiểm soát. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn