MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngoài làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp, NLĐ còn tích cực tìm cơ hội việc làm mới. Ảnh: Anh Thư.

Chưa tìm được việc làm mới, lao động thất nghiệp đã có "phao cứu sinh"

Minh Anh LDO | 10/04/2020 15:00
Chính sách Bảo hiểm thất nghiệp đã giúp đảm bảo phần nào đời sống của bản thân một bộ phận người lao động thất nghiệp và gia đình, góp phần ổn định kinh tế, xã hội của đất nước.

Có tiền trang trải đời sống

Chị Hoàng Thị Mai, công nhân một công ty về lĩnh vực dệt may tại Đông Anh (Hà Nội) từng có việc làm và thu nhập ổn định. Hai vợ chồng chị Mai cùng làm công nhân, thuê nhà gần công ty và thu nhập đủ trang trải tiền thuê nhà, sinh hoạt, gửi về quê phụ giúp ông bà nội nuôi hai con ăn học.

Mất việc do dịch COVID-19 trở thành nỗi ám ảnh của người lao động. Ảnh: An Hòa
Dịch COVID-19, chị Mai mất việc, chồng giãn việc chỉ còn khoảng 70% thu nhập. Không dám về quê vì sợ không xin được việc làm, trong khi chờ tìm cơ hội việc làm mới, chị Mai làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. "Số tiền tuy không lớn, nhưng trong giai đoạn khó khăn này, đối với vợ chồng tôi nó còn quý hơn vàng. Nhờ tiền trợ cấp, vợ chồng tôi có thêm tiền trang trải cuộc sống. Sống tằn tiện rau cháo qua ngày chờ cơ hội việc làm mới", chị Mai chia sẻ.

Cũng giống hoàn cảnh chị Mai, anh Đoàn Văn Minh - công nhân một công ty xây dựng tại quận Hà Đông cũng mất việc vì dịch bệnh. "Công ty tôi cho 70% lao động nghỉ việc vì khi dịch bệnh xảy ra, các công trình xây dựng đình trệ. Phòng Nhân sự tư vấn tôi làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp trong khi chờ cơ hội việc làm mới. Thật may tôi chưa có gia đình nên số tiền trợ cấp dù ít ỏi cũng góp phần quan trong trang trải trong lúc khó khăn", anh Minh nói.

Hiểu để đảm bảo quyền lợi

Trong quý I.2020, số người được chi trả chế độ trợ cấp thất nghiệp ước tính là 378.178 người, tăng khoảng 9,11% so với cùng kỳ năm 2019 (346.582 người) với số tiền được chi trả ước tính là 2.119 tỉ đồng; số người được chi trả hỗ trợ học nghề ước tính là 8.160 người, tăng khoảng 10,1% so với cùng kỳ năm 2019 (7.409 người) với số tiền chi trả ước tính là 18 tỉ đồng.

Theo quy định của Luật Việc làm, trong thời gian chưa tìm được việc làm mới, người lao động thất nghiệp sẽ được hưởng các chế độ trợ cấp thất nghiệp hàng tháng khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định với mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng Bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Thời gian hưởng phụ thuộc vào thời gian tham gia Bảo hiểm thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 12 tháng. Bên cạnh đó, người lao động được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí.

Có việc làm và thu nhập ổn định là mơ ước của rất nhiều lao động. Ảnh: Tất Thảo.

Ngoài ra, người lao động được hỗ trợ học nghề khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định với mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học nhưng không quá 6 tháng.

Đơn vị sử dụng lao động do dịch bệnh mà buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh thì được hỗ trợ kinh phí đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định với mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng.

Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học nhưng không quá 6 tháng.

Như vậy, dịch bệnh COVID-19 đã và đang ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành nghề, lĩnh vực, đặc biệt là du lịch, vận tải, bán lẻ, ngoại thương, đầu tư và cả tài chính - ngân hàng.

Nhiều doanh nghiệp bị thu hẹp các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong các ngành dệt may và da giày, ngành nông sản, dịch vụ du lịch và bán lẻ… dẫn đến việc làm của một bộ phận người lao động bị cắt.

Với vai trò của mình, chính sách Bảo hiểm thất nghiệp đã giúp đảm bảo phần nào đời sống của bản thân một bộ phận người lao động thất nghiệp và gia đình, góp phần ổn định kinh tế, xã hội của đất nước. Điều này càng cho thấy sự ra đời của chính sách Bảo hiểm thất nghiệp là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, đóng vai trò tích cực trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước.

Đặc biệt, đối với các trường hợp người lao động bị thất nghiệp đang chờ nhận trợ cấp thất nghiệp phải đi cách ly y tế hoặc bị nhiễm COVID-19 không thể đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp theo thời hạn quy định (chỉ ảnh hưởng đối với những trường hợp không đến nhận tiền nhưng gần quá thời hạn 3 tháng kể từ ngày hết hạn hưởng ghi trên quyết định).

Liên quan đến vấn đề người lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho hay trong trường hợp này, các doanh nghiệp có tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp phải xử lý ngay chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động để họ có lương. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp có điều kiện có thể đào tạo lại những lao động đó để thích nghi với tình hình mới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn