MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghỉ lễ 30.4 - 1.5 kéo dài 4 ngày, lại đúng thời điểm các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, rất đông người dân đổ ra đường tranh thủ về quê. Ảnh: Thế Kỷ

Chung sống với COVID-19: Nghỉ lễ 30.4, không thể vô tư như chưa có dịch

Đặng Chung (thực hiện) LDO | 30/04/2020 13:58

4 ngày nghỉ lễ dịp 30.5-1.5 sẽ có một cuộc di chuyển dân cư từ các thành phố lớn về các tỉnh. Nếu người dân chủ quan, không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, sẽ có nguy cơ lớn. Báo Lao Động có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Thế Trung - Giám đốc Đề án Tri thức Việt số hóa, Phó nhóm chuyên gia Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) - để hướng dẫn người dân cách chung sống an toàn với COVID-19 trong tình hình mới.

Chiến lược chính xác để đạt mục tiêu kép

Xác định cuộc chiến trường kỳ còn ở phía trước đến khi thế giới tìm được vaccine và thuốc điều trị, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 19, thực hiện chiến lược chung sống an toàn với COVID-19.  Ông đánh giá ra sao về chiến lược này của Chinh phủ Việt Nam trong việc ứng phó với đại dịch?

- Nếu nhìn vào quá trình chống dịch COVID-19 tại Việt Nam thì trước khi nói đến Chỉ thị 19, cần nhìn lại những cột mốc quan trọng trong chống dịch và xuyên suốt ta thấy sự chủ động của Chính phủ hiện lên rõ nét, thể hiện tính hiệu quả rõ rệt.

 Ông Nguyễn Thế Trung - Giám đốc Đề án Tri thức Việt số hóa. Ảnh: NVCC

Ngay ngày 8 Tết (tức 1.2.2020), Thủ tướng đã ra quyết định số 173 công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra. Sự vào cuộc chủ động này đã mang lại 22 ngày yên bình trước khi có ca bệnh 17.

Tuy nhiên việc xuất hiện các ca lây nhiễm tại cộng đồng đã tạo ra làn sóng nguy hiểm và kết quả là khi đường cong các ca nhiễm mới lên cao, Chính phủ đã đưa ra Chỉ thị 16 ngày 31.3.2020 với việc cách ly các đơn vị hành chính trong xã hội hay còn được gọi là giãn cách xã hội.

Hiệu quả của việc này là đường cong các ca nhiễm mới và đặc biệt đường cong của các ca lây nội địa đã bị làm phẳng.

Nhìn vào biểu đồ trên, ta thấy đường cong từ ngày 15.4 đến ngày 25.4, đã không xuất hiện ca nhiễm cộng đồng mới nào; chính vì thế, Chỉ thị 19 có một ý nghĩa quan trọng là nới lỏng giãn cách xã hội để tạo điều kiện phục hồi kinh tế cũng như đưa hoạt động xã hội trở về với bình thường, mặc dù là một sự bình thường mới.

Tôi nghĩ sự chủ động của Chính phủ trong suốt quá trình vừa qua thể hiện một chiến lược hết sức chính xác để đạt mục tiêu kép vừa bảo đảm an toàn sức khỏe cho nhân dân, vừa duy trì và phát triển kinh tế.

Để nhân dân nghỉ lễ an toàn, lãnh đạo địa phương sẽ khó có đêm ngủ yên

Trong Chỉ thị 19 vẫn xem xét, quyết định mức nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh đối với từng tỉnh, thành phố. Ông có khuyến cáo gì với các địa phương theo từng nhóm để thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ 30.4-1.5?

- Chỉ thị 19 đã tạo ra một khung hành động hết sức thú vị: Trong đó có một số điều chúng ta đã biết rõ thì mọi nơi phải thực hiện như: Rửa tay + khẩu trang, không tập trung đông người, cách ly người từ nước ngoài về …

Tuy nhiên Chỉ thị 19 cũng cho phép các bộ, ngành tiếp tục quyết định các biện pháp cho từng nhóm đối tượng ( khu công nghiệp, sản xuất, dịch vụ, trường học…) và đặc biệt là các lãnh đạo địa phương cần cụ thể hóa cho địa phương mình.

Chính vì thế, tôi nghĩ rằng vai trò lãnh đạo và ban chỉ đạo phòng chống dịch của mỗi địa phương sẽ phải tư duy và hành động như chúng ta đã làm ở mức độ toàn quốc. Đầu tiên là cần quán triệt nguyên tắc mà Trưởng ban chỉ đạo quốc gia đã đặt ra đó là: Ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng-dập dịch.

Tiếp theo, các địa phương cần bám sát 3 điểm quan trọng được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu ra tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 với 63 địa phương, đó là: 1. Kiểm soát dịch bệnh. 2. Chung sống an toàn nhưng tuyệt đối không chủ quan. 3. Điều chỉnh tích cực.

Cá nhân tôi muốn nhấn mạnh một từ khóa là “Tốc độ” – do dịch bệnh này chúng ta chưa hiểu hết và có tốc độ lan truyền đặc biệt nhanh, nên mỗi địa phương cần lưu ý yếu tố tốc độ thể hiện ở sự linh hoạt, khả năng phản ứng nhanh để có thể triển khai hoạt động vừa kiên quyết vừa uyển chuyển.

Để làm được điều đó, nhận thức của từng cá nhân, từng tổ chức là yếu tố quan trọng và khả năng hành động của lãnh đạo địa phương là yếu tố quyết định. Để nhân dân có thể có một dịp lễ an toàn thì lãnh đạo địa phương sẽ khó có thể có lễ, thậm chí khó có đêm ngủ yên.

Chúng ta không thể “vô tư” như chưa bao giờ có dịch

Nới lỏng các hạn chế cũng không có nghĩa là cuộc sống sẽ trở lại bình thường, vậy theo ông, mỗi chúng ta cần làm thế nào để sống chung, an toàn với COVID-19?

- Như tôi đã nói ở trên, nếu như lãnh đạo địa phương sẽ khó ngon giấc trong dịp lễ nói riêng và trong cả thời gian dài tới thì mỗi cá nhân chúng ta cũng không thể “vô tư” như chưa bao giờ có dịch.

Vì thế theo tôi: Mỗi người trong chúng ta cần cảnh giác cao độ với dịch bệnh nhưng tỉnh táo và không hoảng loạn. Chúng ta chấp nhận đương đầu với điều chưa biết và khi đã biến một điều chưa biết thành một điều đã biết thì hãy THỰC HIỆN NÓ.

Cụ thể cần đeo khẩu trang và rửa tay; không tụ tập đông người, tránh tiếp xúc; hạn chế dùng điều hòa, tăng cường ánh sáng và không khí tươi; khi có ca nhiễm phải nghiêm túc hợp tác truy vết và cách ly; không di chuyển quá nhiều – đặc biệt liên quốc gia, liên tỉnh.

Chúng ta cùng ý thức về một quốc gia 100 triệu người với tất cả sự phức tạp của nó khi căng ra đối phó với COVID-19. Chúng ta cần phát huy sáng tạo để đưa cuộc sống về trật tự, không phải quay lại như cũ mà thật sự cần hiểu điều chúng ta cần là gì, mục tiêu là gì, bỏ qua những lề lối cũ mà linh hoạt sáng tạo để đạt được nó.

Ví dụ, mục tiêu của việc học không phải là đến trường mà là việc học, mục tiêu của doanh nghiệp không phải là đến văn phòng mà là làm ra giá trị và bán được nó; mục tiêu của cơ quan hành chính không phải là họp mà là ra được thể chế chính sách, giải pháp cho xã hội; mục tiêu của gia đình không phải là ở cùng nhau mà là sống hạnh phúc với nhau …

Chúng ta hơn lúc nào hết cần cộng tác cởi mở, bình đẳng, cùng tạo ra giá trị. Hãy đóng góp bằng năng lực của mình và CÙNG THÍCH NGHI.

Theo ông, yếu tố nào quyết định việc chống dịch thành công và “sống chung an toàn” với COVID-19 trong tình hình mới?

- Yếu tố hành vi cá nhân sẽ là yếu tố quyết định. Chắc chắn là như vậy. Bởi vì con virus này không phân biệt giàu sang, không phân biệt tuổi tác hay phạm vi hành chính, nên tất cả những nỗ lực của Chính phủ hay của ngành Y tế chỉ có tác dụng nếu mỗi chúng ta ý thức được hành vi của mình.

Chúng ta phải cùng thích nghi với cách sống, cách làm việc mới và tin tưởng vào những sự tốt đẹp như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói mà tôi rất tâm đắc. Đó là lúc đầu chúng ta phải thay đổi do bị bệnh dịch ép buộc, nhưng hãy coi đó là cơ hội để “Điều chỉnh tích cực”, để sống sạch hơn, văn minh hơn, tốt đẹp hơn. Làm được thế chúng ta sẽ cùng thích nghi để hướng tới một Việt Nam văn minh hơn, giàu đẹp hơn. 

-  Cảm ơn ông đã chia sẻ!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn