MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bao nilon, hộp nhựa,... được dùng để đựng thực phẩm đã trở thành thói quen của nhiều người dân. Ảnh: Lê Chân

Chung tay để không còn rác thải nhựa sử dụng một lần

THANH CHÂN - NGỌC LÊ LDO | 07/06/2022 10:00

Mới đây, TPHCM có kế hoạch đến năm 2030 sẽ dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Theo các chuyên gia, kế hoạch này là cần thiết đối với thời điểm hiện tại của TPHCM bởi nó tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe con người cùng các loài sinh vật khác. 

Bắt nguồn từ thói quen tiêu dùng, giá thành rẻ

Theo ghi nhận tại các cửa hàng, chợ dân sinh, siêu thị trên địa bàn TPHCM hầu hết các mặt hàng vẫn được đựng trong các sản phẩm nhựa sử dụng một lần như túi ni lông, ly nhựa, hộp nhựa... Đây là những sản phẩm được sử dụng nhiều vì giá thành rẻ và dễ mua.

Nếu mua với số lượng lớn, các loại đồ này chỉ có giá từ 200 - 500 đồng/cái. Cùng với đó, việc sử dụng các sản phẩm này đã trở thành thói quen tiêu dùng của nhiều người dân trong nhiều năm trở lại đây. Mỗi lần đi chợ, chị Phan Thị Trúc (sống tại quận 3) lại lỉnh kỉnh túi nilon đựng thực phẩm.

Không chỉ người mua mà người bán cũng dùng túi nilon, ly nhựa đựng đồ ăn uống cho khách. “Hiện giá nguyên liệu đầu vào ngày một tăng, muốn sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường nhưng rẻ là rất khó. Tôi cũng chỉ bán đồ ăn bình dân nên vật liệu đóng gói phải chọn loại rẻ để còn có lời” - anh Đặng Văn Thanh, chủ quán cơm bình dân tại quận 11 cho hay.

Hiện nay, với những các sản phẩm như cốc, dĩa, thìa, hộp xốp, túi ni lông... không khó để bắt gặp ở quán nước, quán cơm bình dân hoặc có thể tự mua trong các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, chợ với giá rất rẻ. Hàng chục nghìn hộp nhựa sử dụng một lần đựng đồ ăn, thức uống được tiêu thụ mỗi ngày đồng nghĩa với lượng nhựa khó phân hủy bị vứt ra ngoài môi trường. Thậm chí, tình trạng này còn gây ra những bãi rác tự phát, bốc mùi hôi thối.

Chẳng hạn tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (đoạn chân cầu Thủ Thiêm 2, TP.Thủ Đức) rác chất thành đống lớn, kéo dài cả chục mét. Các loại hộp xốp được người dân và tiểu thương đổ xuống nổi lềnh bềnh trên mặt nước...

Trước tình trạng này, hàng chục nhân viên của Công ty dịch vụ công ích Quận 2 đã tiến hành thu gom rác ở các bãi đất trống và các tuyến đường trong khu vực này.

Giảm thiểu rác thải nhựa hướng đến kinh tế tuần hoàn

Để hạn chế tình trạng sử dụng đồ nhựa dùng một lần, tại một số hàng quán ở TPHCM đã chuyển sang sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường như hộp giấy, túi nilon tự phân hủy, ống hút tre,... Tuy nhiên, trên thực tế, giá thành các loại vật liệu thân thiện môi trường khá cao nên chưa được người bán và người mua dùng phổ biến.

Mới đây, TPHCM đã có kế hoạch đến năm 2030 sẽ dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa. Việc này giúp kiểm soát ô nhiễm do chất thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy trên địa bàn Thành phố, góp phần bảo vệ môi trường.

Trao đổi với Lao Động, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hồng - Phó Phân Viện trưởng Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, đã có những nhận định về vấn đề này.

Theo đó, rác thải nhựa đã được các nhà khoa học chứng minh có tác động đến sức khỏe người dân, đặc biệt là vi nhựa. Khi người dân sử dụng các đồ dùng nhựa một lần trong sinh hoạt hằng ngày và thải ra môi trường sẽ rất khó phân huỷ, phải tốn thời gian khá lâu để loại rác này phân hủy thành vi nhựa. Các vi nhựa tham gia vào chuỗi thức ăn của vi sinh, tiếp đến các sinh vật cao hơn như cá, tôm, cua... con người ăn vào sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. 

Bên cạnh đó, khi đồ dùng nhựa sản xuất sẽ sử dụng một lượng lớn nhiên liệu hóa thạch làm cho các khí nhà kính phát thải lên không khí, có thể ảnh hưởng đến quá trình thay đổi nhiệt độ toàn cầu gây biến đổi khí hậu. Đây cũng là một trong những yếu tố gây nên hiệu ứng nhà kính.

Đối với kế hoạch của TPHCM về dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, TS Nguyễn Văn Hồng cho rằng rất phù hợp với xu thế hiện nay.

“Đối với cam kết của Chính Phủ sau Hội nghị COP26, liên quan đến các vấn đề rác thải, đến năm 2050 là đạt mức phát thải ròng bằng “0” (net-zero emission - khi lượng phát thải CO2 do con người gây ra được cân bằng trên toàn cầu bằng cách loại bỏ CO2 trong một khoảng thời gian nhất định). Cùng với đó là kinh tế tuần toàn, bằng cách giảm phát thải ở mức thấp nhất. Để đạt được mục tiêu này cho Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng phải có cách phân loại, tái chế, xử lý triệt để từ những giải pháp thiết thực, phù hợp, đây là điểm quan trọng để giảm phát thải nhựa” - ông Hồng nói.

Đồng thời, các cơ sở sản xuất nhựa tái chế trên địa bàn thành phố phải tuân thủ Luật Bảo vệ Môi trường 2020. Cụ thể, phải có cơ chế để thu hồi các loại rác thải nhựa và tiến tới tái chế.

Theo Phó Phân Viện trưởng Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu, đây là điểm mấu chốt để TPHCM có thể đưa ra các lộ trình thu hồi, tái chế, giảm phát thải nhựa và tiến tới kinh tế tuần hoàn khi tất cả rác thải phải xoay vòng về “net-zero”, không phát thải.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn