MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chung tay giảm nghèo đa chiều, giúp người dân phát triển kinh tế. Ảnh: TTXVN

Chung tay giảm nghèo đa chiều, giúp người dân phát triển kinh tế

Thu Giang LDO | 26/11/2023 20:32

Nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, nhiều địa phương trên cả nước đã thực hiện mô hình bảo đảm an sinh xã hội, góp phần giảm nghèo đa chiều cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An, năm 2023, tỉnh Long An tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, kịp thời áp dụng các chính sách giảm nghèo.

Đồng thời, hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp hỗ trợ các hộ nghèo không còn khả năng lao động từ nguồn ngân sách địa phương và nguồn huy động xã hội hóa.

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Long An đã triển khai, thực hiện 6/7 dự án giảm nghèo gồm hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, phát triển mô hình giảm nghèo.

Nhiều địa phương trên cả nước đã thực hiện mô hình bảo đảm an sinh xã hội, góp phần giảm nghèo đa chiều cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ảnh: TTXVN

Tương tự, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) thông tin, địa phương cũng đang tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững như hỗ trợ nhà ở cho 657 hộ nghèo, hộ cận nghèo (trong đó xây mới 550 hộ, sửa chữa 107 hộ).

Tính đến tháng 8.2023, huyện Mèo Vạc đã phê duyệt cho 592 hộ thực hiện, với số vốn đã giải ngân trên 12 tỉ đồng, đạt 46,86% kế hoạch.

Ông Vũ Lương Vũ Khoa - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mèo Vạc - thông tin, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, các cấp ủy, chính quyền tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững.

Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giảm nghèo, kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm.

Báo cáo của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cho biết, sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, từ năm 2021 đến nay chương trình đã phân bổ 48.000 tỉ đồng nguồn ngân sách Trung ương (vốn đầu tư phát triển 20.000 tỉ đồng, vốn sự nghiệp 28.000 tỉ đồng).

Hỗ trợ trên 1.600 dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho người nghèo với trên 14.496 hộ tham gia…

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp này, dự kiến tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%, (giảm 1,1%), tỉ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%), tỉ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.

Dự báo cuối năm 2025, tỉ lệ hộ nghèo cả nước còn khoảng 0,9%, giảm bình quân khoảng 1,08%/năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn