MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Miền núi Quảng Nam khan hiếm nguồn nguyên vật liệu để xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Chương trình mục tiêu quốc gia tại Quảng Nam gặp khó, tiến độ giải ngân ì ạch

Hoàng Bin LDO | 23/05/2024 08:58

Cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn Quảng Nam đều gặp nhiều khó khăn và vướng mắc, khiến tỉ lệ giải ngân đạt rất thấp.

Tỉ lệ giải ngân vốn thấp

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tỉnh Quảng Nam cho biết, năm 2024, tổng kế hoạch vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trên địa bàn tỉnh gần 3.646 tỉ đồng, gồm vốn ngân sách Trung ương gần 2.642 tỉ đồng và vốn ngân sách tỉnh gần 1.004 tỉ đồng. Trong đó, vốn bố trí năm 2024 gần 2.223 tỉ đồng, còn lại là vốn các năm 2022 - 2023 chuyển sang. Tuy nhiên, hết quý I/2024, tỉ lệ giải ngân vốn của các chương trình MTQG chỉ đạt bình quân 5%.

Đối với chương trình Nông thôn mới (NTM), tổng kế hoạch vốn năm 2024 gần 1.002,5 tỉ đồng nhưng mới giải ngân được xấp xỉ 141 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 14%; tổng kế hoạch vốn chương trình giảm nghèo bền vững xấp xỉ 1.271,5 tỉ đồng, nhưng tỉ lệ giải ngân mới chỉ đạt 2%, khoảng hơn 25,2 tỉ đồng.

Đối với chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, được phân bổ tổng vốn năm 2024 gần 1.372 tỉ đồng, nhưng mới chỉ giải ngân được hơn 14 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 1%.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - đánh giá, tiến độ giải ngân vốn 3 chương trình MTQG của tỉnh hiện rất chậm. Theo ông Tuấn: “Yêu cầu đặt ra đối với các địa phương là cuối tháng 6.2024 phải giải ngân hết nguồn vốn của năm 2022 kéo dài sang năm 2023; cuối tháng 8.2024 giải ngân hết nguồn vốn của năm 2023; cuối tháng 12.2024 giải ngân hết nguồn vốn của năm 2024”.

Do đó, thời gian tới các ngành liên quan và chính quyền địa phương cần triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư.

Vướng mắc từ cơ chế chính sách

Về nguyên nhân khiến việc triển khai 3 chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh đạt thấp, theo Sở KHĐT tỉnh Quảng Nam lý giải là do bất cập, vướng mắc từ các cơ chế chính sách. Trong khi đó, các đơn vị, địa phương còn chậm trễ hoàn chỉnh thủ tục ảnh hưởng đến việc phân kế hoạch vốn được giao năm 2024.

“Ngày 18.1.2024, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 111, với những cơ chế chính sách đặc thù, được kỳ vọng tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong việc triển khai các chương trình, giải ngân kinh phí. Nhưng Bộ KHĐT và Bộ Tài chính chậm ban hành văn bản hướng dẫn triển khai Nghị quyết số 111. Do đó, các địa phương lúng túng trong triển khai thực hiện” - Sở KHĐT viện dẫn.

Cạnh đó, tại khoản 6, Điều 3 của Nghị quyết số 111 quy định cơ quan quản lý dự án hỗ trợ phát triển sản xuất là cơ quan Nhà nước được giao dự toán thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất và được xác định cụ thể tại quyết định phê duyệt dự án.

Quy định này gây khó khăn trong việc phân bổ vốn cho các đơn vị khác ngoài cơ quan Nhà nước của tỉnh như các hội, đoàn thể là thành viên của MTTQ Việt Nam… để thực hiện nhiệm vụ kết nghĩa, giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh.

Về phía các địa phương miền núi, ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - cho rằng, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều tiểu dự án thành phần, mỗi dự án có nội dung khác nhau. Mặt khác, một số văn bản hướng dẫn chưa rõ ràng, cụ thể nên địa phương khó triển khai.

Đơn cử, đối với dự án 2 về quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết thì hiện tại quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết 1/500 khu dân cư trung tâm hành chính các xã chưa được phê duyệt, nên chưa đáp ứng yêu cầu tại điểm b - khoản 2 - phần III Quyết định số 1719 (ngày 14.10.2021) của Thủ tướng Chính phủ.

Trong khi đó, nội dung hỗ trợ ổn định dân cư theo hình thức ổn định tại chỗ không thực hiện được, do phát sinh vướng mắc là chưa có quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Theo ông Mạc Như Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, hiện nay tại địa phương không có mỏ đất đá nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của các dự án và tiến độ giải ngân vốn của các chương trình MTQG. Ông Phương kiến nghị tỉnh sớm hướng dẫn, hỗ trợ huyện lập những hồ sơ, thủ tục cần thiết để tổ chức đấu thầu khai thác các mỏ đất đá phục vụ nhu cầu tại chỗ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn