MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hệ thống xử lý nước sạch của Công ty nước sạch Hưng Yên. Ảnh: P.V

Chương trình nước sạch nông thôn ở Hưng Yên: Phân vùng, cát cứ

Tiến Nguyễn - Đình Hải LDO | 28/12/2019 19:30

Không chỉ bàn giao cho tư nhân quản lý, vận hành, thu chi trái quy định ở 16 dự án nước sạch thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về Nước sạch và Vệ sinh môi trường, tỉnh Hưng Yên còn phê duyệt quy hoạch cấp nước sạch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó một số doanh nghiệp không có thực lực, không thực tế sản xuất nước sạch vẫn được mở rộng địa bàn cấp nước. Điều này tạo nên cát cứ, làm nảy sinh tiêu cực, lợi ích nhóm trong việc phân vùng, quản lý nước sạch, khiến người dân muốn cũng không được sử dụng dịch vụ nước sạch tốt nhất. 

Ngồi “phòng lạnh” viết quy hoạch?

Trung tâm Nước sạch sinh hoạt và vệ sinh môi trường tỉnh Hưng Yên được giao làm chủ đầu tư Quy hoạch cấp nước sạch tỉnh Hưng Yên đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2020, khoảng 70% dân số trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước sạch từ các nhà máy cấp nước tập trung, với tiêu chuẩn dùng nước khoảng 70lít/người/ngày đêm và đến năm 2030 100% dân số được sử dụng nước sạch với tiêu chuẩn dùng nước khoảng 100-120lít/người/ngày đêm. Để đạt được điều này, tỉnh Hưng Yên xác định có hai nguồn lực đầu tư chính là vốn từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và vốn xã hội hóa huy động từ các doanh nghiệp, nhân dân.

Tuy nhiên, điều lạ là 16 nhà máy nằm trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về Nước sạch và Vệ sinh môi trường đang được chuyển giao cho các doanh nghiệp tư nhân quản lý trái quy định cũng nằm trong danh sách quy hoạch với công suất gấp ba, gấp bốn lần so với công suất thiết kế ban đầu. Và trên thực tế, một số nhà máy nước này đã ngừng hoạt động, “đắp chiếu” từ lâu, còn nếu đang hoạt động cũng không thể đáp ứng yêu cầu đó. Điển hình như nhà máy nước Phạm Ngũ Lão, hiện không hoạt động, phải mua buôn nước sạch từ nhà máy nước Ngọc Tuấn, nhưng theo quy hoạch công suất được tăng lên từ 900 -2.000m3/ngày đêm; hay nhà máy nước Tân Việt do Công ty cổ phần xây dựng Huy Phát quản lý, vận hành, có nguồn vốn nhà nước là trên 20 tỉ đồng, nguồn vốn doanh nghiệp là 45 triệu đồng, nhưng doanh nghiệp vẫn được tự thu, tự chi và theo quy hoạch thì công suất được nâng 2.300 - 15.000m3/ngày đêm; tương tự nhà máy cấp nước Nhân Hòa có công suất 1.500m3/ngày đêm được nâng lên thành 5.000m3/ngày đêm.

Chính điều này đã tạo ra cát cứ trong việc phân vùng nước sạch, khiến các doanh nghiệp có đủ điều kiện cấp nước tiêu chuẩn, dịch vụ nước sạch tốt thì không được cung cấp nước cho người dân sử dụng. Còn các doanh nghiệp thậm chí không thể tự sản xuất được nước sạch thì lại được mở rộng địa bàn cấp nước, không cho các doanh nghiệp khác được đầu tư, cung cấp nước sạch đến người dân. Chính điều đó cũng đặt ra câu hỏi trong dư luận về việc liệu cán bộ có “ngồi phòng lạnh” viết quy hoạch nước sạch?

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Kình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, thừa nhận: Hiện trên địa bàn có việc một số doanh nghiệp thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về Nước sạch và Vệ sinh môi trường và chương trình có vốn đầu tư WB đang cấp nước cho từ 3-4 xã. Sở sẽ tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp này, nếu đủ điều kiện sẽ tiếp tục cho hoạt động, còn không đủ điều kiện sẽ đề nghị tạm dừng.

Cũng theo ông Kình, UBND tỉnh vừa có cuộc họp liên quan đến nước sạch, quan điểm của tỉnh là nước sạch cũng như một mặt hàng, không để tình trạng cát cứ về nước sạch, nếu doanh nghiệp nào dịch vụ tốt hơn, cung cấp nước tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp đó sẽ được thực hiện. “Riêng với quy hoạch nước sạch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, chúng tôi sẽ tham mưu với lãnh đạo tỉnh để thực hiện hiệu quả” - ông Kình nói.

Không hạch toán kinh tế là vi phạm pháp luật

Liên quan đến vấn đề các dự án nước sạch thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường hiện đã được giao cho tư nhân quản lý, hàng năm không hạch toán kinh tế, báo cáo tài chính định kỳ, doanh nghiệp tư nhân tự tung, tự tác sử dụng nguồn vốn nhà nước, ông Nguyễn Văn Kình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp cho rằng, điều này là sai quy định pháp luật. Ông Kình yêu cầu Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hưng Yên phải kiểm tra, rà soát, báo cáo ngay về Sở để xin ý kiến của UBND tỉnh.

Đối với việc chuyển giao các nhà máy nước thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia, theo ông Kình đó là tồn tại của lịch sử, ông mới lên quản lý chưa lâu nên không nắm được. Nhưng nếu không có quyết định nào của UBND tỉnh mà các đơn vị tự ý giao tài sản nhà nước cho các doanh nghiệp tư nhân quản lý, vận hành, tự thu, tự chi là trái với Luật đầu tư công, vi phạm quy định pháp luật.

Về việc này, ông Hoàng Nghĩa Tài, Phó Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường Hưng Yên, thừa nhận: Trung tâm nước sạch có bàn giao một số công trình dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về Nước sạch và Vệ sinh môi trường cho tư nhân quản lý, các doanh nghiệp tự thu, tự chi, Trung tâm cũng không kiểm tra các doanh nghiệp về vấn đề này.

Tuy nhiên, về việc tiền ngân sách đầu tư lại được giao cho tư nhân quản lý liệu có đúng quy định pháp luật, ông Tài không trả lời phóng viên báo Lao Động…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn