MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những cây chè cổ đã gắn bó với người Dao bao đời nay ở Hà Giang.

Chuyện chè cổ trăm tuổi ở bản người Dao Nậm An

Phong Quang LDO | 27/03/2022 14:44

Hà Giang - Người già nhất trong bản Dao ở Nậm An (xã Tân Thành, Bắc Quang, Hà Giang) cũng đã là đời thứ 7 làm chè thế nhưng những cây chè cổ trăm năm tuổi vẫn trổ hoa, ra lộc trên khắp cánh rừng nguyên sinh. Gần đây chè cổ ở Nậm An đã trở thành một sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được thế giới công nhận.

Không chỉ là thứ nước uống

Người Dao ở Nậm An nhiều đời nay đều bám theo sườn Đông của dãy Tây Côn Lĩnh cùng với sự hoang sơ của đại ngàn để an cư, lạc nghiệp. Những cây chè trăm năm tuổi được người đồng bào gọi với cái tên kính trọng "cụ chè".

Nằm trên độ cao hàng nghìn mét, những “cụ chè” có thân, gốc, cành nhánh sù sì to bằng cả người ôm, mọc đan xen giữa đại ngàn rừng nguyên sinh và trên các sườn núi, sườn đồi. Cũng không ai rõ cây chè có từ bao giờ, người trẻ theo người già đi hái, cứ thế mà khôn lớn.

Thuộc thế hệ lão làng trong bản Nậm An, năm nay cũng đã hơn 80 nhưng tuổi của ông Phàn Chàn Hin so với những "cụ chè" kia vẫn chưa là gì. Từ cái ngày ông còn bé tí, ngước mắt nhìn lên cánh rừng trước nhà đã thấy hoa chè nở trắng, gốc chè cả sải tay ôm không hết.

Những cây chè trăm năm tuổi đã trở thành đặc trưng trên dãy Tây Côn Lĩnh. 

Ông Hin kể: "Cái lúc mới chỉ 4,5 tuổi chúng tôi đã biết theo cha mẹ lên núi hái chè, ngày đó chỉ thích leo cây chè thôi chứ hái được mấy. Những cây chè trên rừng chắc phải gấp vài lần tuổi tôi nhưng bao nhiêu năm cảm giác như chúng vẫn vậy, vẫn cái gốc, cái cành đấy".

Theo già làng Hin, người Dao vốn có nếp văn hoá yêu cây chè ngấm vào máu thịt. Trên đất Hà Giang này, nơi nào có người Dao sinh sống thì ở đó có cây chè cho búp hái quanh năm. Người Dao và cây chè, nhất là cây chè cổ thụ được ví như cặp song sinh sống nương tựa vào nhau.

Cả bản Dao ở Nậm An chỉ có 45 hộ sinh sống thì có tới 90 ha cây chè mọc lên tươi tốt. Cây chè tuy không làm cho cuộc sống của đồng bào giàu có nhưng nhờ cây chè mà có ăn, có mặc. Rồi nhờ uống chè mà người Dao có đủ sức khoẻ chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt.

Khẳng định giá trị chè cổ

Ông Nguyễn Viết Thắng - Bí thư Đảng uỷ xã Tân Thành cho biết, người Dao trong trong bản Nậm An đa phần rất khoẻ mạnh và sống thọ, có những cụ già năm nay đã gần trăm tuổi. Chè với người Dao không đơn thuần chỉ là thứ nước uống mà còn giống như một vị thuốc của thiên nhiên ban tặng.

"Cây chè cổ ở đây đã sống bao đời trên núi cao hết nắng, lại gió, hết nóng, lại lạnh. Khí hậu, thời tiết khắc nghiệt trên độ cao hàng ngàn mét đã mang lại cho cây chè rất nhiều dưỡng chất quý hiếm. Người Dao thì chỉ uống nước chè bao đời nay, có lẽ vì thế mà sống lâu, sống khoẻ" - vị Bí thư Đảng uỷ xã chia sẻ.

Nhưng ông Thắng cũng không khỏi trăn trở khi cây chè cổ ở Nậm An quý là thế nhưng vẫn chưa được nhiều người biết đến. Giá mà thứ nước uống từ những "cụ chè" kia đi ra thị trường lớn, thậm chí ra thế giới thì tốt biết mấy.

Người trẻ ở Nậm An đã bắt đầu phát triển thương hiệu một cách bài bản để nâng cao giá trị của những cây chè cổ. 

Vừa rồi, những người trẻ ở Nậm An đã ý thức được điều này, họ mạnh dạn bắt tay vào làm xưởng chế biến và thu mua chè búp tươi. Họ nghĩ chỉ có làm bài bản thì mới nâng cao được giá trị của cây chè.

Ông Thắng trầm ngâm: "Làm ra rồi nhưng bán được chè cổ Nậm An cho khách dùng biết đâu là chè cổ thụ cũng chẳng dễ. Xã đã cùng những người trẻ lặn lội tìm lối đi cho cây chè, từ mang đến các cơ quan chức năng để kiểm tra, đánh giá chất lượng đến tìm kiếm bạn hàng".

Sau 2 năm không ngừng tìm kiếm lối đi, rồi được sự giúp đỡ của tổ chức FAO (Tổ chức Nông lương thế giới), đầu năm 2021 chè Nậm An đã được xác nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng hữu cơ.

Con đường để chè Nậm An được công nhận cũng lắm gian nan nhưng từ đây cây chè cổ đã không còn bị ngủ quên trên những cánh rừng nguyên sinh. Mỗi cân chè cổ ở Nậm An được bán với giá cả triệu đồng và đang thực sự cho thấy giá trị vượt thời gian của những cây chè trăm năm tuổi đời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn