MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Vương Thừa Bình - nguyên Tổng Biên tập Báo Long An. Ảnh: V.T.B

Chuyện chữa COVID-19 tại nhà của F0 là nguyên tổng biên tập

Kỳ Quan LDO | 07/09/2021 15:43
Anh Vương Thừa Bình từng nhiều năm làm Tổng Biên tập Báo Long An. Khi nghỉ hưu, anh cùng gia đình về sống ở TP.HCM. Tháng 8 vừa qua, anh, rồi vợ anh bị dương tính với SARS-CoV-2 và được cho cách ly, điều trị ở nhà, nay cả 2 đã khỏi bệnh. Anh đã có những chia sẻ rất thú vị và bổ ích về quá trình chiến thắng COVID-19.

Bất ngờ phát hiện khứu giác có vấn đề

Anh Bình kể, một ngày đầu tháng 8 vừa qua, khi vợ chồng anh chuẩn bị đi tiêm vaccine phòng COVID-19, anh bất ngờ phát hiện khứu giác của mình có vấn đề. Anh có thói quen trước khi ra đường luôn thoa dầu gió lên khẩu trang, nhưng hôm đó anh không nghe thấy mùi dầu khi bôi.

Thoáng chột dạ, nhưng anh không kể với vợ vì sợ chị lo lắng. Đến điểm tiêm vaccine, chị được tiêm mũi 1 bình thường, nhưng đến lượt anh thì nhiệt độ cơ thể cao quá mức cho phép nên không được tiêm, bác sĩ dặn anh về phải báo với y tế phường để theo dõi.

Trở về nhà, anh càng lo hơn khi bữa ăn trưa nhạt mùi nhạt miệng, tự đo nhiệt độ thấy đến 39 độ C. Buổi chiều, anh chị đến trạm y tế phường xin xét nghiệm cho cả 2. Kết quả anh dương tính SARS-CoV-2, còn chị âm tính. Y tế phường đưa 2 vỉ thuốc để anh về uống khi sốt.

Về nhà, anh lên lầu tự cách ly. Anh chị quyết định giấu chuyện anh bị COVID-19 với người thân, kể cả 2 đứa con đang ở xa, để mọi người không lo lắng. Ngoại trừ 2 mẹ con cô em vợ, người mẹ là cán bộ y tế xã đã nghỉ hưu, cô con gái là cán bộ trung tâm y tế huyện. Chính 2 người thân có chuyên môn này đã là chỗ dựa cho anh cả về tinh thần lẫn phương pháp điều trị. Qua tin nhắn, đứa cháu gửi đơn thuốc để dì mua cho dượng uống. Cháu dặn kỹ mỗi người phải dùng riêng một bình xịt khử khuẩn khi trao đổi bất cứ vật gì cho nhau…

Máy đo ôxy, vật bất ly thân của anh Bình trong những ngày chữa trị COVID-19. Ảnh: V.T.B

Với chiếc smartphone, anh sục sạo Internet tìm thông tin chữa trị COVID-19. Mỗi ngày, chị bưng mâm lên đặt trước cầu thang. Chờ chị xuống lầu, anh mới ra bưng vào phòng. Cảm giác ăn không mùi đối với anh giống như coi tivi không tiếng. Dù không biết ngon nhưng anh vẫn cố gắng ăn hết mọi thứ để có sức chống chọi dịch bệnh.

Đến ngày thứ ba thì chị thấy mình có vấn đề nên ra phường xin xét nghiệm lại. Anh như đứng không vững khi có nghe tiếng chị mở cửa vào nhà và nói vọng lên lầu: "Tôi giống ông rồi!". Chiều hôm đó, anh bị khủng hoảng đến độ bỏ quên cữ thuốc. Anh bệnh còn có chị lo, giờ 2 người là F0 hết, biết làm sao!

Nhưng cũng từ hôm đó, trong nhà anh bỏ “cách ly”! Hai F0 tự chăm sóc nhau, nhưng anh là "F0 cũ" phải ráng nhiều lên để giúp F0 mới là chị!

Từng có 5 năm trong quân ngũ, anh vẫn giữ thói quen rèn luyện sức khỏe theo kỷ luật quân đội, giờ càng phải duy trì. Thể dục sáng trên sân thượng, chăm mảnh vườn trên cao, làm việc nhẹ trong nhà…

Mạng lưới thầy thuốc đồng hành

Khoảng 1 tuần sau, có cuộc gọi từ số lạ 18001119 (Mạng lưới thầy thuốc đồng hành). Anh được hỏi tình trạng và cho lời hướng dẫn khá tỉ mỉ. Hôm test dương tính, anh có để lại thông tin địa chỉ, số điện thoại liên lạc ở y tế phường. Vậy là dữ liệu anh đã được tổng đài cập nhật.

Các loại cây dược liệu anh Bình dùng xông hàng ngày để chữa bệnh. Ảnh: V.T.B

Từ đó, hằng ngày, qua Zalo, anh chị được bác sĩ ở Trung tâm Y tế quận tìm hiểu, tư vấn, cho toa bổ sung… khiến vợ chồng anh vững tâm. Anh còn được mời tham gia nhóm Zalo "Hỗ trợ y tế F0-F1" của phường, giúp thông tin với những người cùng hoàn cảnh và với các bác sĩ rất kịp thời, bổ ích. Những ngày sau cứ khoảng 4 giờ chiều là có cuộc gọi của 18001119 hỏi han bệnh tình, động viên, hướng dẫn, nhắc nhở… thái độ ân cần, chu đáo.

Rồi một người gửi cho anh đường link kết nối với nhóm bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội và một bệnh viện dã chiến ở TP.HCM. Anh được vào phòng chat hội chẩn với nhiều người…

Lại thêm cô Bí thư Đoàn của phường, thành viên trong Tổ phản ứng nhanh của phường cũng điện hỏi han và lập ra một nhóm Zalo lo về đăng ký xét nghiệm và mượn trang thiết bị y tế.

Chị lại thấy ở đâu đó lời khuyên: F0 tự điều trị phải đầy đủ “3 T” là Thuốc, Thực phẩm và Tâm lý. Thuốc đã có. Thực phẩm cứu trợ và tích trữ trước, tuy không dồi dào nhưng đủ dinh dưỡng. Nhà chỉ hai người thì tâm lý tinh thần càng phải vững, không bi quan, quyết không để “mất điện”…  

Cứ thế, với sự giúp đỡ, chỉ dẫn tận tình của mọi người, của mạng xã hội, anh chị đã tự chữa trị cho mình, anh ổn trước, chị khỏe theo sau. Đến 16 giờ 30 phút ngày 29.8, vợ chồng anh được mạng lưới thầy thuốc đồng hành gọi điện hỏi thăm lần nữa, rồi họ xin phép "yên tâm đưa hai bác ra khỏi danh sách chăm sóc, để mỗi ngày khỏi làm phiền hai bác". Anh đã hỏi tên các bác sĩ để cảm ơn, nhưng không ai chịu nói.

Anh chia sẻ: “Có là F0 mới gặp được những đội ngũ/mạng lưới âm thầm như thế. Họ không phân bua, chỉ căng mình tham gia chống đại dịch trên cả nước chứ không riêng ở thành phố này. Vậy đó. Kết nối mạng. Kết nối đời. Hai F0 tôi đã giữ được mạng sống của mình để có hôm nay”.

Dịch bệnh vào nhà bằng cách nào?

Có một câu hỏi cứ đeo đẳng mà bây giờ khi khỏe rồi anh mới bình tâm tìm câu trả lời. Đó là, dịch bệnh vào nhà anh bằng cách nào? Với 5K, vợ chồng luôn tuân thủ nghiêm. Trước đó, trong 3 tuần hẻm bị phong tỏa, anh có ít lần ra đầu hẻm mua đồ. Đầu hẻm dựng lan can, rào kín kẽm gai. Một bữa anh ở bên trong ghi tờ giấy đặt mua các thứ, đưa chú dân phòng gác bên ngoài cầm trao cho cửa hàng bên kia đường. Đứng đợi lâu, anh mấy lần vịn lan can hàng rào. Ôi cái lan can đó, có bao nhiêu tay người vịn!? Anh tin chắc chính anh bị phơi nhiễm từ sự lơ là 1K (Khử khuẩn), rồi về lây sang vợ.

Anh thú thật, lúc mới xài Zalo anh thấy… ghét vì những tin rao hàng. Bây giờ anh rất cảm ơn tính linh hoạt hữu dụng của nó trong “tác chiến” phòng chống dịch! Anh muốn mượn (và sửa) câu thơ Phùng Quán: “Có những phút ngã lòng - Tôi VỊN SÓNG WIFI mà đứng dậy”. Có lâm bệnh anh mới thấy rõ, sóng Wifi hữu dụng ra sao.

Từ kinh nghiệm riêng, anh Bình chia sẻ, người nào chưa có - nên mua ngay về phòng thân những thứ tối cần thiết trong mùa dịch sau:

1) Nhiệt kế: Trên 37 độ C là phải lưu ý.

2) Máy kẹp ngón tay đo nồng độ ôxy: Bác sĩ trị COVID-19 nào cũng hỏi con số này. Trên 95 yên tâm.

3) Thuốc theo toa/đơn do Sở Y tế địa phương ban hành, hướng dẫn.

4/ Thuốc viên xông và các loại để xông, nhất là sả, các loại lá/vỏ có tinh dầu... Chanh tươi và gừng củ.

5/ Bình xịt khử khuẩn để thường xuyên thực hiện 5K.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn