MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chuyện chưa kể về bữa cơm 2 quả trứng và bức ảnh sinh nhật không có hình Đại tướng

Nguyễn Hà - Phạm Dung LDO | 25/08/2017 10:41

Trong gia tài ảnh suốt cuộc đời mình, Đại tá Trần Hồng lưu giữ rất nhiều bức ảnh chụp trong ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thế nhưng, những bức ảnh mà Đại tá nhớ nhất lại là những bức ảnh sinh nhật không có hình Đại tướng.

Nhân kỷ niệm 106 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng tôi có dịp trò chuyện với Đại tá, nhiếp ảnh gia Trần Hồng. Là phóng viên của báo Quân đội Nhân dân, Đại tá Trần Hồng bắt đầu có tấm ảnh chụp Đại tướng đầu tiên vào năm 1973, nhân sự kiện trao trả tù binh. Đến năm 1994, ông may mắn được Đại tướng đặc cách cho vào chụp ảnh Đại tướng bất cứ lúc nào.

Mặc dù đã ở độ tuổi 70, đã gom cho mình nhiều trải nghiệm trong làm nghề, nhưng khi chúng tôi – những phóng viên với tuổi đời, tuổi nghề còn non trẻ tìm đến, nhiếp ảnh gia vẫn  hào hứng, gọi chúng tôi là những đồng nghiệp thân thiết. Câu chuyện bắt đầu trong căn phòng nhỏ trên phố Đường Thành (Hà Nội) lúc cơn mưa sáng vừa đi qua.

Bữa cơm với 2 quả trứng, bà nhường ông, ông lại nhường bà

Đại tá tâm sự, cái duyên của ông với Đại tướng bắt đầu từ một câu chuyện 25 năm trước: “Triển lãm đầu tiên của tôi vào 12.1992, khi đó, dù tôi không dám mời nhưng Đại tướng đã đến xem ảnh của tôi. Sau đó, Đại tướng hỏi tôi rằng, trong 86 bức ảnh này, tôi thích nhất bức ảnh nào? Khi đó tôi trả lời rằng, tôi thích tất cả vì tất cả đều là của tôi và tôi chịu trách nhiệm đến cùng những bức ảnh của mình. Thế là Đại tướng dành cho tôi một nụ cười rất đẹp”.  

Sau khi được sự đồng ý của Đại tướng, Đại tá Trần Hồng đã tác nghiệp tại nhà Đại tướng từ 5h sáng cho tới 21h. Mọi khoảnh khắc của Đại tướng đều được Đại tá Trần Hồng ghi trọn, từ lúc Đại tướng thiền, tập thể dục, dùng bữa...

Bức ảnh chụp bữa cơm của vợ chồng Đại tướng Võ Nguyên Giáp khiến ai xem cũng xúc động.

“Bức ảnh sinh động nhất trong loạt ảnh đầu tiên mà tôi ấn tượng nhất là bức ảnh chụp bữa cơm của Đại tướng – một bữa cơm rất đạm bạc, nhìn vào ai cũng cảm động. Bữa cơm với 2 quả trứng lăn đi lăn lại trên đĩa, bà nhường cho ông, rồi ông lại nhường cho bà.  Đó là một ngày không thể nào quên của tôi” – Đại tá Trần Hồng chia sẻ.

Từng bị Đại tướng mắng nhiều lần

Suốt hơn 20 năm chụp ảnh Đại tướng, điều khó nhất được Đại tá Trần Hồng chia sẻ, đó là do tính nhân văn toát ra từ Đại tướng quá lớn nên mỗi lần cầm máy đều thấy đây là một việc làm khó khăn. Đứng trước Đại tướng, ai cũng sẽ chụp rất nhiều vì cùng chung mong muốn khai thác một con người từng lên thác xuống ghềnh, đầy lòng trắc ẩn. 

Đại tá Trần Hồng chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

“Đại tướng có một gương mặt rất dễ tạo hình, nhưng ông luôn luôn ở trong tư thế của một chiến sĩ, bởi ông thường mặc quân phục. Với mong muốn khám phá con người Đại tướng ở những thời khắc khác nhau nên tôi thích khai thác những lúc Đại tướng mặc thường phục với những khoảnh khắc, xúc cảm ít ai biết, chính vì thế tôi đã nhiều lần bị Đại tướng mắng. Đó là cái khó của tôi.”

Ảnh sinh nhật không có hình Đại tướng

Trong gia tài ảnh suốt cuộc đời mình, Đại tá Trần Hồng lưu giữ rất nhiều bức ảnh chụp trong ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25.8), thế nhưng, những bức ảnh mà Đại tá nhớ nhất lại là những bức ảnh sinh nhật không có Đại tướng. Từ tháng 1.2009 cho đến khi Đại tướng ra đi, Đại tướng phải dưỡng bệnh tại bệnh viện TW Quân đội 108. Từ ngày đó, sinh nhật nào, 30 Hoàng Diệu cũng vắng mặt Đại tướng, thế nhưng trong suốt 4 năm, cứ đến dịp sinh nhật Đại tướng thì những cụ bô lão dù ở xa cũng có mặt từ sớm, quây quần trong căn nhà 30 Hoàng Diệu.

Dù không có Đại tướng nhưng đông đảo người dân vẫn tìm đến 30 Hoàng Diệu trong mỗi dịp sinh nhật Đại tướng.

“Trong căn nhà này vẫn có một chiếc ghế, một chén nước dành riêng cho Đại tướng. Vợ Đại tướng ngồi một bên và cứ như Đại tướng đang ngồi đó, ai nấy đều rất trịnh trọng. Những bô lão này chính là những người từng xông pha trận mạc, đến ngày này lại tụ họp đông đủ. Những bức ảnh trong ngày sinh Đại tướng trong 4 năm, kể từ 2009 cho đến ngày Đại tướng ra đi, mà tôi chụp đều không có hình Đại tướng, nhưng tôi đặc biệt ấn tượng”. 

Suốt chừng ấy năm theo đuổi, say mê trong mỗi bức ảnh chụp Đại tướng, thế nhưng đến khi Đại tướng rời xa cuộc đời thì nhiếp ảnh gia Trần Hồng lại không chụp nhiều. Nhưng ông vẫn nhớ như in những khoảnh khắc, những con người, từng cảnh tượng khi ấy. Nhà 30 Hoàng Diệu trong ngày nắng đẹp khi ấy là một vòng tròn mà xung quanh là những con người từ khắp mọi miền Tổ quốc, họ đến đây và mong một lần được vào thắp hương cho Đại tướng.

“Đó là một bức ảnh rất đẹp nhưng tôi đã không bấm máy chụp vì nó đã trở thành đại chúng. Ngày đó, trên tay ai cũng cầm một bông hoa, xếp hàng đợi đến lượt vào viếng Đại tướng. Tôi nhận ra rằng, đây chính là bức ảnh tuyệt vời nhất trong cuộc đời Đại tướng”.

“Đối với tôi, được chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong hơn 20 năm là một sự may mắn, là niềm vui, niềm an ủi của tôi đối với nghề nghiệp” - Đại tá Trần Hồng chia sẻ. Và như thế, đến giờ, trong căn phòng rộng hơn 10m2 của nhiếp ảnh gia đâu đâu cũng là hình của Đại tướng. Có bức ảnh chụp Đại tướng thật trang nghiêm trong bộ quân phục, có bức Đại tướng lại thật giản dị với những sinh hoạt của đời thường, những khoảnh khắc buồn, vui của người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam được Đại tá Trần Hồng bắt trọn và lưu giữ, nâng niu đến ngày hôm nay. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn