MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngôi mộ có hình cánh máy bay che chở bên trên mà ông Bảy xây cho song thân của mình. Ảnh: Lục Tùng

Chuyện chưa kể về người phi công huyền thoại

LỤC TÙNG LDO | 29/09/2019 06:00

“Không chỉ yêu thương vợ con hết lòng, ông còn dành cả phần đất thổ cha mẹ phân cho để làm nơi chôn cất trong gia tộc. Vì vậy với chúng tôi, ông như tấm gương về đạo hiếu với ông bà, cha mẹ và gia đình” - ông Võ Thành Dương (60 tuổi) khóm 4, thị trấn Lai Vung (Lai Vung - Đồng Tháp) chia sẻ về đại tá phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy.

Người chồng, người cha số một

Thấy ông chài cá trong ao, nhổ rau, hái trái nhiều nhiều là biết hôm sau ông đi TPHCM thăm con trai và cháu nội” - ông Võ Thành Dương - người có hơn chục năm sống cạnh nhà ông Bảy chia sẻ - “Ổng thương con, thương cháu lắm”. Cứ vậy đều đặn tháng này qua tháng khác, năm trước đến năm sau, đến mức cả xóm đều nhắc đến ông Bảy như tấm gương về tình thương con, thương cháu.

Trong ký ức chưa xa của ông Dương, buổi đầu về đây, ông Bảy chỉ che cái chòi đủ 2 vợ chồng già ngả lưng sau giờ làm vườn. Nhà lá, cột tre tạm bợ lắm, đồ đạc bên trong đơn sơ, nhìn vào ai cũng nghĩ là ông già Nam Bộ, chứ không ai biết ông là phi công với nhiều chiến công nổi tiếng. Thế nhưng mấy năm sau, khi thấy con cháu về thăm, nhất là dịp Tết... ông mới chịu xây nhà như bây giờ. Cất xong, ông vẫn giữ cho mình cái chòi nhỏ. Nhà lớn thì chỉ mở cửa khi đại gia đình đoàn tựu, như ông muốn dành trọn vẹn sự rộng rãi đó riêng cho con, cháu mình mà thôi.

Ông Bảy là vậy đó, rất tiện tặn với chính mình, nhưng vô cùng hào sảng, rộng rãi với con, với cháu. “Nói vậy, không phải ông không thương vợ, để vợ ở nhà nhỏ đâu, ông Bảy yêu vợ số một luôn” - ông Ngô Thái Hòa, nhà sát ranh ông Bảy cho biết thêm - “Chiều hàng ngày, ông đều lai rai với con cháu trong xóm, nhưng luôn chừa bụng để về ăn cơm với vợ. Và dù tiệc vui đến mấy, đúng 5 giờ chiều là ông xin về với lý do không ai có thể từ chối: Bả chờ cơm ở nhà”.

Tuy nhiên, điều khiến cho người dân ở Lai Vung thêm mến phục là cách yêu thương của ông Bảy thì rất văn minh, trong sáng. Sẵn sàng để dành cả căn nhà khang trang, con cá, trái cây ngon cho con, cho cháu, nhưng dứt khoát không bao giờ nói nửa lời để nâng đỡ con, hay gởi gắm cháu. Và ông Dương nhớ đời bài học về tình yêu thương con mà ông Bảy đã dạy cho mình. “Hiểu gia cảnh 3 người con ông Bảy không chức phận: 2 con trai ở TPHCM, làm nghề lái xe, cô con gái ở Sa Đéc làm công nhân may công nghiệp nên có lần tiệc nhậu chỉ có 2 chú cháu, tôi nói: Sao chú không nói một tiếng cho mấy em nó có chút chức phận... Vừa nghe xong, ông Bảy trừng mắt: Vậy thì đâu phải thương mà là hại. Hại nó ỷ lại rồi sanh ra tật xấu đã đành, còn hại luôn công việc của người xứng đáng khác”.

Người con hiếu thuận

Những ngày lưu lại Lai Vung, qua những lời tâm tình của người dân gần gũi ông Bảy, tôi còn biết thêm bên trong người phi công huyền thoại này là cả tấm lòng hiếu thuận mênh mông, bao la hơn cả kỳ tích huyền thoại mà ông lập được trên thời chiến.

Ông được cha mẹ chia cho 2 vạt đất. Vạt ở khóm 4, thị trấn Lai Vung, rộng 5.000m2 ông cất nhà, trồng rau, nuôi cá. Vạt ở ấp Hậu Thành, xã Tân Dương, rộng khoảng 2.000m2, ông chỉ trồng ít cây lâu năm và dành phần lớn để làm nơi chôn cất ông bà, cha mẹ. Hơn thế nữa, ông còn trích từ tiền lương hưu của mình để xây khu nhà mồ, trồng cây kiểng xung quanh... trông thật trang nghiêm, ấm cúng. Và tôi tin chắc rằng bất cứ ai đến đây cũng xúc động trước tấm lòng hiếu thuận của ông Bảy dành cho đấng sinh thành. Không chỉ xây mộ bằng đá để gìn giữ lâu dài, ông Bảy còn xây mái che hình tượng chiếc phi cơ với phù hiệu của Không quân Việt Nam bên trên che mưa, chắn gió cho phần mộ song thân.

“Có lần ông tâm tình với tôi, ông tự tay vẽ và trực tiếp chỉ dẫn cho thợ thi công với mong muốn lớn nhất là gởi gắm vào hình tượng cánh máy bay mà ông gắn bó để che mưa, che nắng cho cha mẹ, bù đắp những năm tháng đi tập kết không nuôi dưỡng được đấng sinh thành” - ông Dương rưng rưng nhớ lại.

Bên ngoài binh nghiệp lừng danh, ông Bảy là một người nhân văn cả trong suy nghĩ, trong hành xử với chòm xóm, với gia đình và để lại cho người đời nhiều bài học lớn về đạo hiếu. Vì vậy, ông vĩ đại như vị tướng trong lòng dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn