MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chuyện của cảnh sát thương binh: Gặp kẻ vi phạm "quái"

Vương Trần LDO | 26/07/2019 16:12
“Một nam thanh niên vượt đèn đỏ dừng xe trước hiệu lệnh của tôi nhưng sau đó lại bất ngờ tăng ga lao thẳng vào người khiến tôi ngã ra và bất tỉnh tại chỗ” – Đại úy Đỗ Xuân Khoa, đội cảnh sát giao thông (CSGT) số 6 nhớ lại.

Thực hiện công việc là phân luồng, hướng dẫn, xử lý vi phạm của người tham gia giao thông… là nhiệm vụ hàng ngày của các chiến sỹ CSGT. Nhưng không chỉ có vậy, không ít người đã bị thương, trở thành thương binh khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ bình yên trên từng con đường, tuyến phố.

Trường hợp của Đại úy Đỗ Xuân Khoa (SN 1984 – Đội CSGT số 6 – Phòng CSGT, Công an TP.Hà Nội) là một trong những trường hợp như vậy. Hiện đại úy Khoa đang là thương binh hạng A đang công tác tại tổ hành chính của đội CSGT số 6.

Theo đại úy Khoa, không chỉ trong thời chiến mới có thương binh, mà trong thời bình, rất nhiều người cũng gặp phải nhiều rủi ro nghề nghiệp khi đang thực hiện công vụ. Nhiều trường hợp cán bộ chiến sỹ CSGT bị thương nặng, thậm chí trở thành liệt sỹ trong khi giải quyết công việc.

Nhấp một chén trà, đại úy Khoa kể: “Vào khoảng 9h sáng một ngày tháng 3.2008 tôi được phân công nhiệm vụ hướng dẫn, xử lý vi phạm tại gần Văn Miếu Quốc Tử Giám (quận Đống Đa). Khi đó, tôi phát hiện một nam thanh niên đi xe wave vượt đèn đỏ và ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra giấy tờ. Nam thanh niên này sau đó đã dừng xe, tuy nhiên khi yêu cầu dắt xe lên vỉa hè thì người này bất ngờ tăng ga lao thẳng vào người tôi rồi bỏ chạy”.

Đại úy Đỗ Xuân Khoa (Đội CSGT số 6, Phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội). Ảnh T.Vương

“Sự việc diễn ra rất nhanh chóng, khoảng cách giữa tôi và nam thanh niên lúc đó chỉ khoảng hơn 1m. Sau đó tôi bị đầu đập xuống đường, ngã ra và bất tỉnh tại chỗ. 1/3 xương đùi bên phải bị gãy. Quá trình khám thương tật, hội đồng thương tật kết luận tình trạng thương tật vĩnh viễn là 25%” – Đại úy Khoa nói tiếp.

Theo chiến sỹ CSGT này, thời điểm đó anh còn chưa lấy vợ, phải nằm bất động hơn 1 tháng và nhiều tháng sau đó mới hồi phục sức khỏe. Cuộc sống của mọi người trong gia đình cũng loay hoay và đảo lộn. Mọi người trong nhà khi đó rất lo lắng cho anh. Sau này, khi hồi phục lại, anh cũng không thể tham gia các trò chơi vận động mạnh, phải dừng hẳn việc đá bóng hay các môn thể thao đối kháng… Cho tới bây giờ, thi thoảng khi có thay đổi thời tiết, anh vẫn thường hay bị tê bì chân, đau nhức xương khớp, thi thoảng có hiện tượng đau đầu.

Nhớ lại những phút giây gặp nạn năm xưa, đại úy Khoa cho hay, bây giờ mỗi khi nhắc lại sự việc đó anh đều không khỏi “rùng mình”. “Với khoảng cách chỉ hơn 1m, người ta lao vào mình đúng là không thể phản ứng kịp. Cũng may mới chỉ bị gãy chân. Thông thường đối tượng vi phạm quay đầu bỏ chạy hoặc chạy vượt qua chứ rất ít khi có trường hợp dừng xe rồi dắt xe lên hè phố tăng ga bỏ chạy. Cho tới bây giờ các đồng đội đi làm cũng gặp rất hiếm trường hợp tương tự” – anh Khoa nói.

Cũng theo chiến sỹ CSGT này, khi xử lý vi phạm giao thông cần phải kìm chế nóng nảy, tránh xảy ra những sự việc không hay, đặc biệt phải rất chú ý trong thái độ, tác phong, chuẩn mực giao tiếp với người tham gia giao thông. Một điều mà anh cảm thấy rất vui đó là trong quá trình làm việc giúp đỡ được nhiều người, đặc biệt tìm lại được đồ vật đã bị kẻ gian lấy cắp.

“Có những chiếc xe đã bị lấy cắp 7-8 năm, nhưng khi nhận lại người bị mất vẫn cảm thấy rất vui và xúc động. Và đôi khi, chỉ một cánh thư cảm ơn của họ cũng làm chúng tôi thêm ấm lòng và trách nhiệm hơn với công việc” – đại úy Khoa chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn