MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thượng tá Trịnh Khắc Lưỡng - Đội CSGT số 2, phòng CSGT, công an thành phố Hà Nội. Ảnh Trần Vương

Chuyện của cảnh sát thương binh: Phút sinh tử gặp "xe điên"

Vương Trần LDO | 27/07/2019 07:30
Cho tới bây giờ, thượng tá Trịnh Khắc Lưỡng (SN 1966, đội cảnh sát giao thông số 2 – phòng CSGT, công an thành phố Hà Nội) vẫn chưa hết ám ảnh thời điểm một chiếc ô tô lao thẳng vào người khiến ông bất tỉnh tại chỗ.

Tạm dừng tay bên chiếc bàn làm việc với hàng xếp giấy tờ thủ tục hành chính đang xử lý, thượng tá Trịnh Khắc Lưỡng (thương binh hạng A) cho hay, trong quá trình làm cảnh sát giao thông không ít lần ông chứng kiến đồng đội và trực tiếp bản thân bị xây xát do xử lý công việc. Tuy nhiên, sự việc xảy ra vào ngày 19.5.2007 sẽ là một ghi nhớ ông không bao giờ quên.

Nhớ lại sự việc xảy ra cách đây 12 năm về trước, thượng tá Trịnh Khắc Lưỡng trầm ngâm một hồi rồi chậm rãi kể lại những phút giây ám ảnh nhất của cuộc đời. Đã hơn chục năm trôi qua nhưng với ông sự việc chỉ mới như xảy ra. Thương tích do quá trình công tác, ông cũng mang theo nó suốt đời.

Thượng tá Lưỡng kể: Ngày 19.5.2007, tôi được phân công thực hiện nhiệm vụ trên Quốc lộ 18, đoạn từ sân bay Nội Bài đi Bắc Ninh. Lúc 18h, tôi vừa nhận nhiệm vụ thì phát hiện một chiếc xe ô tô đi ngược chiều. Nhận thấy trường hợp này tiếp tục di chuyển như vậy sẽ dễ dẫn tới tai nạn giao thông nên tổ công tác ra tín hiệu dừng xe.

Thượng tá Trịnh Khắc Lưỡng - một thương binh trong thời bình. Ảnh T.Vương

“Một đồng chí đứng trước tôi ra tín hiệu dừng xe, còn tôi đứng cách đó 200m. Lúc này không hiểu sao lái xe đâm thẳng, hất tôi xuống vệ đường. Khi đó tôi ngã ra, bất tỉnh tại chỗ. Khi tỉnh lại thì thấy mình đã nằm trong bệnh viện rồi” – thượng tá Lưỡng nhớ lại.

Sự việc khiến thượng tá Lưỡng bị gãy chân trái, chấn thương đầu. Thời điểm đó, hội đồng thương tật xác định ông bị thương tật vĩnh viễn 21%.

Thượng tá Lưỡng nhớ lại: “Đó có lẽ là ngày mà tôi không bao giờ quên trong cuộc đời mình. Sau đó tôi phải nằm viện 6 tháng và trở lại công tác. Đến giờ, do ảnh hưởng của vết thương, mỗi khi “trái gió, trở trời” là tôi lại bị đau nhức chân tay, thi thoảng đau đầu. Mỗi năm cứ tới ngày 19.5 là tôi lại nhớ về kỷ niệm buồn của cuộc đời”.

Quá trình công tác 27 năm làm cảnh sát giao thông, thượng tá Lưỡng cũng cho hay, thực tế quá trình công việc không ai có thể tránh được những rủi ro nghề nghiệp. Thực tế công việc ngoài đường rất “muôn hình, muôn vẻ”. Có những trường hợp khi mình xử lý vi phạm thì có người cố tình chống đối nhưng cũng có những người vô tình, do cuống quá mà không làm chủ được tình hình. Đó là rủi ro nghề nghiệp dù đã cẩn thận, tránh xảy ra những tai nạn nhưng đôi khi vẫn có thể gặp phải.

Nói về nghề, thượng tá Lưỡng nhận định CSGT là một nghề vất vả. Có những lúc họ phải ra ngoài đường cả ngày trong thời tiết nắng nóng 40 độ để thực hiện nhiệm vụ. Có những khi mưa, nắng, tắc đường, tai nạn đêm hôm đều có sự hiện diện của CSGT.

“Đi làm cũng có nhiều điều rất vui. Nhiều khi đêm hôm có những người nhỡ xe, nhỡ tàu, chúng tôi lại giúp bắt xe gửi về các tỉnh. Có những trường hợp các cháu bé đi lạc đường chúng tôi báo và liên hệ với người thân đưa về. Khi họ được bình yên, được an toàn là lúc chúng tôi cũng thở phào nhẹ nhõm” – thượng tá Lưỡng chia sẻ và cho hay, mong muốn lớn nhất khi làm nhiệm vụ của CSGT là mỗi người nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông, đảm bảo an toàn và bình yên trên những chuyến đi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn