MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thượng úy Phạm Đức Duy - Đội CSGT số 2. Ảnh T.Vương

Chuyện của cảnh sát thương binh: Vui nhất khi giúp mọi người

Vương Trần LDO | 27/07/2019 13:30
Bị thương trong khi làm nhiệm vụ, nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất của thượng uý Phạm Đức Duy là một lần đã dùng xe cảnh sát để đưa người bệnh đi cấp cứu.

Thượng úy Phạm Đức Duy (SN 1990, đội CSGT số 2, phòng CSGT Hà Nội) nhớ lại vụ việc khiến mình bị thương nặng cách đây gần 8 năm: "Đầu tháng 11.2011, khi đó tôi đang làm công an huyện Mỹ Đức (Hà Nội) làm nhiệm vụ ở ngã 5 Tế Tiêu, thị trấn Đại Nghĩa thì gặp phải trường hợp một thanh niên vượt đèn đỏ. 

Quan sát thấy người vi phạm, tôi bước ra để dừng phương tiện tuy nhiên lái xe không chấp hành. Người này lao thẳng vào vào tôi. Từ lúc ra dừng xe đến khi va chạm xảy ra nhanh. Chỉ trong tích tắc, tôi ngã ngửa ra nhìn lên trời rồi mắt tối sầm lại, ngất lịm đi”.

Va chạm xảy ra khiến thượng úy Duy bị chấn thương vùng đầu, bị ngã xây xát chân tay. Hội đồng thương tật xác định anh Duy bị thương 21%. Quá trình điều trị kéo dài khoảng 2- 3 tháng.

Dáng người cao ráo, đôi mắt sáng, tác phong nhanh nhẹn, thượng úy Duy cho hay, trong quá trình làm nhiệm vụ, nhiều thanh niên do sợ khi mắc lỗi, không kiểm soát được nên thường muốn bỏ chạy để tránh việc bị xử lý. Có những trường hợp người vi phạm do cuống quá nên không dừng xe kịp… Đây là những chuyện CSGT rất hay gặp phải.

Thượng úy Phạm Đức Duy (phải) trao đổi công việc cùng đồng nghiệp. Ảnh T.Vương

Theo thượng úy Duy, khi xử lý vi phạm ngoài đường nhiều tình huống “dở khóc, dở cười”. Có những trường hợp 2 người vi phạm và cảnh sát cùng tránh về một phía cũng dẫn tới những va chạm. Có nhiều trường hợp vi phạm hay bị cuống khi cảnh sát yêu cầu kiểm tra hay có những khi phán đoán hành động của đối tượng cũng khác với thực tế... Vì vậy không ít trường hợp CSGT trở thành thương binh ngay trong thời bình. Còn việc CSGT bị xây xát, va chạm cũng không hiếm gặp.

Chia sẻ về nghề nghiệp, thượng úy Duy cho hay, nghề nào cũng vậy cũng đều cần sự đam mê, yêu nghề mới có thể vượt qua những khó khăn, vất vả của công việc được và CSGT cũng vậy. Cho đến bây giờ, khi đã lập gia đình, tôi vẫn được vợ con, gia đình động viên để tiếp tục với công việc, vượt qua những khó khăn, mệt nhọc, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Kể về những kỷ niệm trong khi đi làm nhiệm vụ của mình, chàng CSGT nở một nụ cười tươi và nói: Trong quá trình đi tuần tra, kiểm soát lực lượng cảnh sát cũng gặp nhiều trường hợp. Nhiều trường hợp như nhỡ tàu xe cũng hay được cảnh sát cho đi nhờ hoặc vẫy nhờ xe cho họ…

“Một kỷ niệm mà tôi rất nhớ đó là vào năm 2013, khi đang làm nhiệm vụ buổi tối tại gần hồ Quan Sơn (Đường 424, xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức) tại gần 1 nhà dân thì gia đình nhà này có người con bị đau bụng. Nghe những người trong gia đình kể lại, chúng tôi đã dùng ô tô chở ngay bé này đi bệnh viện.

Bác sỹ chẩn đoán bé bị đau ruột thừa, may mà đi tới nơi kịp mới tránh xảy ra nguy hiểm. Khi đó vào buổi tối nên cũng rất ít xe cộ đi lại khu vực này, bởi vậy mà trong trường hợp này xe cảnh sát trở thành xe cứu thương” – Thượng úy Duy nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn