MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường vụ sạt lở tại đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) được nhà báo Phan Tuấn ghi nhận. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chuyện của những phóng viên tác nghiệp tại điểm nóng thiên tai

LINH CHI LDO | 15/08/2023 13:58

Đối với những phóng viên tác nghiệp trong điểm nóng, cứ có tin là lên đường bất kể thời gian, nguy hiểm. Mỗi lần dấn thân của phóng viên là một lần họ phải chạy đua với mọi thứ để truyền tải thông tin nhanh nhất tới bạn đọc và hơn cả là để chia sẻ phần nào với những người dân vùng tâm bão, rốn lũ...

Sự dấn thân đầy ám ảnh

Một chiều tháng 7 năm 2023, nhận tin đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng, nhà báo Phan Tuấn (Văn phòng miền Trung Tây Nguyên Báo Lao Động) vội vã khăn gói hơn 300km từ thành phố Buôn Ma Thuột đến hiện trường vụ sạt lở.

Không phải lần đầu tác nghiệp thiên tai nhưng khi nghe tin vụ sạt lở nghiêm trọng vùi lấp 3 cán bộ Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Lâm Đồng và một người dân địa phương, anh Tuấn và các đồng nghiệp vẫn cảm thấy xót xa và muốn nhanh nhất có thể tiếp cận được hiện trường.

"Thời điểm đó, hầu hết các tỉnh thành ở Tây Nguyên đang mưa lớn, nhiều khu vực vẫn đang xảy ra sạt lở hay trượt tại các sườn dốc. Khi tôi đến nơi đã là giữa đêm, lực lượng chức năng đã tạm dừng việc tìm kiếm nạn nhân do mưa quá lớn. Hơn 200 cán bộ được huy động để tìm kiếm các nạn nhân. Đây là vụ sạt lở nghiêm trọng nhất trong 20 năm trở lại đây trên tuyến đèo Bảo Lộc" - nhà báo Phan Tuấn kể lại.

Những chuyến tác nghiệp bão lũ tại các tỉnh Tây Bắc luôn để lại nỗi niềm đau đáu đối với nhà báo Phan Tuấn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngay thời điểm tác nghiệp trong vụ sạt lở lần này, trong điều kiện mưa lớn, trời âm u, mất sóng điện thoại, phóng viên buộc phải tác nghiệp thật nhanh, vừa chụp vừa quay những thước phim hiện trường với đất đá vùi lấp, bùn đất và cả những bức hình đầy ám ảnh.

"Khoảnh khắc ám ảnh nhất khi tác nghiệp sạt lở tại đèo Bảo Lộc lần này có lẽ là khi chúng tôi chứng kiến lực lượng chức năng tìm thấy thi thể của nạn nhân bị đất đá vùi lấp vào lúc nửa đêm" - anh Tuấn nhớ lại.

Nhà báo Cao Tuân (Văn phòng Tây Bắc bộ Báo Lao Động) khi nhận được thông tin Yên Bái bị sạt lở, nhà báo Cao Tuân đã ngay lập tức tới hiện trường. Mưa lớn ập xuống mảnh đất Mù Cang Chải khiến 2 cháu nhỏ ở xã Khao Mang thiệt mạng, 1 người nghi mất tích ở xã Hồ Bốn và 34 nhà bị hư hỏng, trôi, sập hoàn toàn. Đặc biệt, lũ dữ khiến giao thông bị chia cắt khiến anh và các phóng viên khác khó tiếp cận hiện trường.

Khi ông Nông Việt Yên - Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải gọi điện báo tin, chính quyền các xã đã bố trí chỗ ăn ở tạm thời tại trường học, nhà văn hóa cho các hộ dân bị mất nhà cửa, các phóng viên mới thở phào, nhẹ nhõm…

Nhiều hoàn cảnh mất mát, hy sinh đã được chia sẻ, hỗ trợ

Nếu trước kia, các phóng viên chỉ có ngòi bút để diễn ra những nỗi đau thì giờ đây, họ có nhiều hơn thế. Những hình ảnh, video chân thực từ hiện trường gửi về toà soạn là bắt buộc... Với đặc thù địa bàn phụ trách là địa phương thường xuyên xảy ra thiên tai, bão lũ, với phóng viên Phúc Đạt (Văn phòng Bắc Trung bộ Báo Lao Động), việc tác nghiệp làm sao vừa truyền tải tin bài text nhanh chóng tới độc giả vừa thực hiện những cảnh quay để lột tả hiện trường.

Máy quay, máy ảnh hay đôi khi chỉ là chiếc điện thoại cũng có thể trở thành “đồ nghề” tác nghiệp của phóng viên Phúc Đạt khi vào tâm lũ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Phóng viên Phúc Đạt chia sẻ: "Khi tác nghiệp trong những trận mưa lũ, sạt lở, việc có đầy đủ các thông tin, video, hình ảnh sẽ cho độc giả có một cái nhìn thực tế sự vụ. Chính từ sự lan tỏa đó, nhiều hoàn cảnh mất mát, hi sinh trong thiên tai, bão lũ đã được chia sẻ, hỗ trợ; những gia đình chịu nhiều thiệt hại có cơ hội khắc phục hậu quả, trở lại ổn định cuộc sống".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn