MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chuyển đổi cách dùng dữ liệu số để cải cách quản trị quốc gia trong thời đại số

Nguyễn Thế Trung - Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Công nghệ DTT - Thành viên Tổ tư vấn Chính phủ điện tử, Văn phòng Chính phủ LDO | 15/02/2021 16:00

Chuyển đổi số là một cơ hội lớn của mọi quốc gia trong giai đoạn Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Để khai thác tốt nhất cơ hội này, chúng ta sẽ cần một kế hoạch hành động quyết liệt, cụ thể và thực chất. Trong khuôn khổ bài này, người viết chỉ đưa ra một yếu tố mà theo tôi là quan trọng hàng đầu - đó là cách chúng ta dùng dữ liệu số.

Đây là vấn đề căn bản và quyết định, có thể coi là thước đo thành công trong việc chuyển đổi số. Và để đo chính xác, ta sẽ cùng đặt thước đo này ở chỗ quan trọng nhất - đó chính là trong hoạt động quản trị quốc gia (còn gọi là quản trị công).

Giống như bác sĩ trước một ca bệnh phải quyết định mổ hay không mổ, trong quản trị nói chung và quản trị quốc gia nói riêng, việc quan trọng nhất là ra quyết định. Các khung hỗ trợ ra quyết định dựa trên bằng chứng, dựa trên dữ liệu là phần không thể thiếu của quản trị hiện đại.

Trong thời đại chuyển đổi số, dữ liệu lớn và xử lý dữ liệu tạo ra một động lực mạnh mẽ để thay đổi các khung hỗ trợ ra quyết định này. Các khung quản trị trên thế giới đã cập nhật trong 10 năm qua để sử dụng dữ liệu lớn và xử lý dữ liệu, Việt Nam cần nhanh chóng sử dụng các khung tư duy và công cụ này để tạo ra năng lực mới trong việc quản trị công, thúc đẩy việc phát triển nhanh, đúng hướng và bền vững.

Trước khi đi vào nội hàm của việc sử dụng dữ liệu trong ra quyết định trong quản trị công, ta cùng điểm lại một vài số liệu:

Trong giáo dục, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2020 của cả nước là 98,34%; trong giải quyết thủ tục hành chính, tỉ lệ giải quyết đúng hẹn đạt 95,8%. Hai con số gần 100% này có rất nhiều điều đáng phân tích, tuy nhiên trước khi làm điều đó, ta cùng tham khảo thêm một con số “phấn khởi” khác: “Việt Nam là một trong số ít nước được IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế) dự báo có thể tăng trưởng dương với GDP cuối năm đạt hơn 340 tỉ USD, vượt Singapore”.

Ngay khi dự báo IMF xuất hiện, nhiều chuyên gia đã lên tiếng kéo chúng ta về thực tiễn là thu nhập bình quân của Việt Nam chưa bằng 4% thu nhập bình quân của Singapore. Như vậy, số liệu là một chuyện, nhưng cách chúng ta đọc số liệu lại là chuyện khác. Với tôi 2 con số gần 100% ở trên là chỗ giúp chúng ta đưa ra các cách thức cải cách tốt hơn nếu chúng ta “đào sâu” vào dữ liệu để tìm ra các sáng kiến cải cách.

Cá nhân tôi đã có kinh nghiệm sử dụng các công cụ khai thác dữ liệu trong phòng chống COVID-19 và đang tham gia cùng Văn phòng Chính phủ trong việc phân tích các dữ liệu cải cách hành chính. Chìa khóa nằm ở dữ liệu chi tiết đến từng giao dịch giải quyết thủ tục hành chính, hay nói cách khác đó chính là sử dụng dữ liệu lớn, chi tiết thay vì dữ liệu tổng hợp báo cáo. Tôi tin rằng, cách làm này khi áp dụng vào các lĩnh vực khác cũng sẽ đều mang lại những kết quả tích cực nếu không nói là đột phá.

Nhìn ra thế giới, Liên Hợp Quốc, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hay các tổ chức như Ngân hàng Thế giới (WB) đều đã và đang triển khai các bộ công cụ nhằm khai thác dữ liệu lớn trong quản trị công. Các nước như Singapore đã có bề dày sử dụng dữ liệu này và họ luôn thành công khi tìm ra được những thị trường ngách để phát triển như trong quá khứ là ngành tài chính, và hiện nay là công nghiệp in 3D cho máy bay, máy công nghiệp lớn.

Tại Trung Quốc, hệ thống tín nhiệm xã hội đã được triển khai khá rộng rãi, mặc dù gây tranh cãi nhưng ta nên coi như đây là sự phổ biến trong việc sử dụng dữ liệu số tại quốc gia hàng tỉ dân này.

Ở một góc nhìn khác, bộ phim Social Dilemma - “Sự tiến thoái lưỡng nan của xã hội” cho chúng ta thấy, thông qua năng lực phân tích dữ liệu lớn của người dùng, chúng ta đã và đang bị thao túng bởi các phần mềm, mạng xã hội.

Những thông tin tham khảo sơ lược ở trên dẫn tới điều gì? Nếu là người bi quan, chúng ta sẽ buông tay, nếu là người lạc quan chúng ta sẽ reo lên “Ơ rê ka” vì đã tìm ra đường để phát triển hùng cường. Tôi thì chọn cách là người thực dụng, đó là việc chúng ta phải bắt tay vào sử dụng thực tiễn các công cụ này để phát triển đất nước, xã hội của chúng ta. Với cách này, tôi đề xuất với Chính phủ hãy chuyển đổi trong việc dùng dữ liệu số để cải cách quản trị quốc gia trong thời đại số. Cụ thể như sau:

1. Tạo thói quen chạm vào dữ liệu gốc: Các lãnh đạo cao nhất và lãnh đạo các cấp hãy dừng chấp nhận các báo cáo giấy, thay vào đó hãy dùng báo cáo trên máy tính cá nhân, hoặc máy tính bảng và yêu cầu khả năng chạm vào từng số liệu để đi dần đến số liệu gốc.

2. Đặt câu hỏi và tìm ra các vấn đề cốt lõi dựa trên dữ liệu gốc: Chỉ bằng một vài thuật toán thống kê hoặc máy học dữ liệu gốc sẽ tìm ra các vấn đề cốt lõi - nếu người lãnh đạo không làm được thì hãy đặt các câu hỏi và nhờ các chuyên gia dữ liệu giúp “đào sâu” dữ liệu gốc để trả lời. Khi đã tìm ra được vấn đề cốt lõi thì các giải pháp sẽ tự đến, việc còn lại của người lãnh đạo là bảo đảm thực thi.

3. Bảo đảm thực thi bằng hành động thực chất và đo lường kết quả trung thực thông qua các sáng kiến: Các giải pháp lý thuyết thường khó thực hiện vì thế thay vì đưa ra các kế hoạch hoành tráng, hãy tập trung vào các sáng kiến có thể thực hiện được (bảo đảm được việc thực thi). Sáng kiến và thực thi sáng kiến là con đường nhanh nhất để tìm đường tiến lên thoát khỏi những vòng xoáy giữ chân chúng ta. Trong phạm vi nhỏ, đây là những vòng xoáy làm cho chúng ta ngày càng thất vọng và giảm năng suất, trong phạm vi quốc gia thì đây chính là những vòng xoáy giữ chân chúng ta ở bẫy thu nhập trung bình.

Ba việc trên đây rất dễ làm mà cũng rất khó làm, dễ bởi người lãnh đạo có thể bắt tay làm ngay bây giờ nhưng nó khó bởi vì nó đòi hỏi chúng ta thay đổi thói quen. Hai trong những thói quen đó là việc lên kế hoạch đổ đồng và bệnh thành tích. Trong các kế hoạch, khi đưa ra chỉ tiêu, chúng ta cần một con số. Do đó, thường thì con số này sẽ được đổ đồng, một tỉnh miền núi cũng phải đạt chỉ tiêu về phục vụ người dân giống như một quận nội thành Hà Nội, một học sinh miền núi cũng phải đạt điểm 10 trong kỳ thi tốt nghiệp như một học sinh trường chuyên để tốt nghiệp. Sự thay đổi phải bắt đầu ngay từ đây.

Thói quen bệnh thành tích cũng thành trầm kha bởi cách chúng ta đánh giá, nếu ai đó không đạt mục tiêu thì phê bình, chứ không nghiêng về hiệu quả (đạt mục tiêu mức độ nào thì hiệu quả họ được hưởng là thế nào) nên người thực hiện sẽ chạy theo thành tích bằng mọi giá. Cách làm này chính là nội hàm của từ “quan liêu”.

Nhưng với dữ liệu gốc và việc xử lý dữ liệu lớn, người lãnh đạo nếu muốn sẽ biết được đến từng chi tiết, từng cá nhân, từng tác vụ vì thế mà sự quan liêu mất đi, không đổ đồng về mục tiêu nữa, không còn bệnh thành tích nữa. Trí tuệ của người lãnh đạo và bộ máy giúp việc sẽ tạo ra những sáng kiến phù hợp giúp từng thành phần trong hệ thống tiến lên và vì vậy cả hệ thống tiến lên.

Để kết luận, xin tổng kết ngắn gọn: Chuyển đổi bắt đầu từ thay đổi, thay đổi bắt đầu từ lãnh đạo, lãnh đạo bắt đầu từ quyết định, quyết định bắt đầu từ dữ liệu gốc, thực hiện quyết định bắt đầu từ sáng kiến, sáng kiến tốt sẽ giúp chúng ta vượt lên chính mình, thoát khỏi vòng xoáy bẫy thu nhập trung bình. Đó là con đường giản dị để chúng ta phát triển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn