MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đoàn công tác Ban chỉ đạo một số công trình, dự án trọng điểm tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025 (Ban Chỉ đạo 321) khảo sát, kiểm tra thực tế tại các địa phương có dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Ảnh minh họa: T.X

Chuyển đổi đất lâm nghiệp ở Đắk Lắk làm dự án: Phải có giải pháp phục hồi rừng đối với mọi dự án

BẢO TRUNG LDO | 18/04/2022 11:20

Rừng tự nhiên ở Đắk Lắk đang ngày càng suy giảm và một phần nguyên nhân là từ việc cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để triển khai nhiều dự án trọng điểm để phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Nhưng, phần lớn là do lấn rừng, lấy đất làm nông nghiệp theo phương thức “nhỏ giọt”. Đến lúc cần cân nhắc việc lấy rừng để phát triển kinh tế. Nhưng dù làm bất cứ dự án quan trọng nào, cũng cần có đánh giá kỹ tính khả thi trước khi triển khai. Nhất thiết phải trồng bù, phục hồi rừng đã mất...

Nhiều dự án cần đất rừng

Đầu tháng 4.2022, HĐND tỉnh Đắk Lắk đang nghiên cứu bổ sung danh mục dự án phải thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong năm 2022. Các danh mục dự án đầu tư này có sử dụng đất phải chuyển mục đích dưới 10ha đất trồng lúa và dưới 20ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng.

Trong năm nay, tỉnh Đắk Lắk có tổng cộng 33 dự án phải thu hồi đất với tổng diện tích là 334,63ha. Ngoài ra, tỉnh còn bổ sung danh mục 11 dự án đầu tư có sử dụng đất phải chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng. Trong đó, cơ quan có thẩm quyền dự kiến sẽ chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa với 14,68ha, đất rừng phòng hộ khoảng 1,85ha và đất rừng đặc dụng là 1ha.

Ngoài ra, các cơ quan thẩm quyền tỉnh Đắk Lắk đang phối hợp với các bộ, ngành... khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Theo đó, để thực hiện dự án, tổng diện tích đất chiếm dụng sơ bộ khoảng 938ha. Trong đó, đất rừng sản xuất gần 332ha, đất rừng phòng hộ khoảng 21,3ha.

Khi triển khai dự án này, diện tích rừng cần chuyển đổi mục đích sử dụng khoảng 353ha. Riêng tỉnh Đắk Lắk đã chiếm khoảng 282ha. Vùng rừng này thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của dự án thuộc Thủ tướng Chính phủ.

Dự án cao tốc thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư của Quốc hội và thẩm quyền thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi là Hội đồng thẩm định nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. Thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của dự án thuộc Thủ tướng Chính phủ.

Do đó, tỉnh Đắk Lắk kiến nghị sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, giao Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hoàn chỉnh hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng của dự án và phê duyệt theo thẩm quyền trước khi quyết định đầu tư.

Ngoài ra, tỉnh Đắk Lắk vẫn đang cùng với Ban Quản lý dự án 46 (Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng) rà soát các diện tích rừng đặc dụng cần chuyển mục đích sử dụng trên Dự án đường Trường Sơn Đông (qua địa phận tỉnh Đắk Lắk) để trình Trung ương phê duyệt nhằm tiếp tục triển khai tuyến đường trọng yếu này.

Từ năm 2021, Khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng nhưng chủ đầu tư đã triển khai thi công Dự án đường Trường Sơn Đông trái pháp luật.

Phải tính toán kỹ trước khi làm

Trao đổi với Lao Động, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho hay, rừng nếu đã được giao cho doanh nghiệp triển khai các dự án chăn nuôi, sản xuất trồng rừng... một khi bị lâm tặc tàn phá thì phải chịu trách nhiệm. Tùy theo mức độ để xử lý, có thể là nộp phạt hành chính nếu bị phá ở mức đã được quy định trong luật lâm nghiệm, buộc phải trồng lại và tuyệt đối không được phép chuyển đổi. Còn nếu rừng bị phá với mức độ lớn như vụ gần 400ha rừng ở địa bàn huyện Ea Súp như vừa qua với mục đích lấn chiếm thì cơ quan chức năng buộc phải khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự những đối tượng có liên quan.

Những đơn vị đã được giao rừng thì phải có trách nhiệm bảo vệ, tuyệt đối không được phép chuyển đổi mục đích sử dụng dưới bất kỳ hình thức nào kể cả đó là rừng đặc dụng, phòng hộ hay thậm chí sản xuất. Bởi lẽ, rừng nếu bị phá thì đất đó vẫn là đất rừng phải tìm cách phục hồi.

Ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk - cho rằng: "Vấn đề phải chuyển đổi rừng để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt và cần phải làm, luật cho phép. Quan trọng là chúng ta phải cân nhắc, tính toán kỹ xem thử lợi ích các dự án mang lại với diện tích rừng giảm đi có tương xứng, phù hợp hay không.

"Cần phải quan tâm đầu tư đúng mức hơn cho công tác trồng, quản lý bảo vệ rừng. Tất nhiên, trước khi cho chủ trương đầu tư bất kỳ dự án nào nếu đụng đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng cũng phải cần cân nhắc tính toán các tác động ảnh hưởng về sau này, nhất quyết phải có báo cáo tác động đến môi trường để có giải pháp ngăn ngừa khắc phục. Có thể chủ đầu tư khi làm xong dự án phải trồng bù rừng hoặc nộp tiền trồng rừng thay thế", ông Dương nhấn mạnh.

Theo ông Trần Phú Hùng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk: "Các dự án mà tỉnh cấp phép cho chủ trương đầu tư hiện nay không đụng đến rừng tự nhiên lẫn rừng phòng hộ hoặc nếu có cũng chỉ đụng đến đất nông nghiệp hoặc sản xuất. Riêng đối với các dự án lớn ví như đường Trường Sơn Đông mang ý nghĩa chiến lược về an ninh, quốc phòng thì khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thì phải được Thủ tướng phê duyệt. Mới đây, một dự án thuỷ điện quy mô lớn ở địa bàn huyện Ea Kar cũng được cấp phép xây dựng nhưng đất bị ảnh hưởng là đất sản xuất nông nghiệp.

Tất cả các dự án địa phương trình lên xin tỉnh chủ trương đầu tư, xây dựng dù trong dự thảo có khẳng định không đụng đến đất rừng tự nhiên hay phòng hộ thì phía các ban chuyên môn HĐND phải đi khảo sát thực địa, thẩm tra chi tiết xem có đúng với thực tế hay không chứ không thể ngồi nhìn văn bản mà đánh giá, kết luận được. Tỉnh phải làm quyết liệt vấn đề này để quản lý, bảo vệ rừng một cách hiệu quả trước tình trạng suy giảm như hiện nay".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn