MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chuyển đổi số mạnh mẽ sẽ tạo đà cho Thanh Hoá tiếp tục phát triển. Ảnh: X.H

Chuyển đổi số: Động lực cho sự phát triển

Xuân Hùng LDO | 24/05/2022 16:09

Ngày 24.5, Sở TTTT Thanh Hoá tổ chức Hội nghị Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá. Tinh thần hội nghị cho thấy, chuyển đổi số là khái niệm nhiều doanh nghiệp đã đề cập nhưng để nhìn nhận đúng, thực hiện hiệu quả còn là cả chặng đường dài phía trước với nhiều khó khăn.

Chuyển đổi số - cạnh tranh để làm tốt hơn

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Mai Xuân Liêm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá khẳng định, những năm qua, Lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá rất quan tâm đến chuyển đổi số, coi chuyển đổi số là vấn đề quan trọng quyết định đến chất lượng hiệu quả điều hành trong khu vực hành chính và sự phát triển của các doanh nghiệp.

Với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động, tỉnh Thanh Hóa luôn luôn tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tạo ra những động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy giá trị đổi mới sáng tạo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

Đến nay 100% doanh nghiệp của tỉnh đã thực hiện ký số, thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan thuế như kê khai thuế, nộp thuế, gia hạn thuế và hoàn thuế; 85% doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn điện tử trên tổng số 14.998 doanh nghiệp, tổ chức đang hoạt động, đủ điều kiện triển khai hóa đơn điện tử….

Cũng nhờ áp dụng chuyển đổi số, năm 2021 Thanh Hóa đạt được nhiều kết quả nổi bật trong lĩnh vực phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số. Kết quả về chỉ số chuyển đối số cấp tỉnh, Thanh Hóa xếp hạng 15/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đứng thứ 2 sau Quảng Ninh trong tứ giác phát triển phía Bắc (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh), và cũng đứng thứ 2 sau Thừa Thiên - Huế trong các tỉnh Bắc Trung bộ.

Ông Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá (thứ ba, phải sang) tham quan mô hình tại hội nghị. Ảnh: L.H

Ông Mai Xuân Liêm nhấn mạnh, việc áp dụng chuyển đổi số sẽ đem đến tính cạnh tranh cao hơn giữa các doanh nghiệp và ngay cả các cơ quan hành chính cũng phải cạnh tranh với nhau. Cạnh tranh để làm tốt hơn và chỉ có chuyển đổi số, áp dụng khoa học kỹ thuật vào quản lý và sản xuất mới đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Ai cũng thấy cần nhưng thực hiện còn khó

Chuyển đổi số ai cũng thấy là cần nhưng để thực hiện một cách hiệu quả vẫn gặp nhiều khó khăn. Ông Mai Xuân Liêm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá thẳng thắn: “Bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu, hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp ở Thanh Hoá vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Nhận thức về chuyển đổi số còn hạn chế do tâm lý không muốn thay đổi thói quen cũ, sợ rủi ro; công tác truyền thông để thay đổi nhận thức, thói quen của mọi người trong sử dụng các dịch vụ chuyển đổi số còn hạn chế; nhiều doanh nghiệp còn lúng túng không biết phải chuyển đổi số như thế nào, bắt đầu từ đâu và ưu tiên cái gì trước; nhiều doanh nghiệp khó khăn trong tìm kiếm giải pháp và sản phẩm chuyển đổi số....

Còn theo ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Giám đốc VCCI Chi nhánh Thanh Hoá, những khó khăn, thử thách do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 từ năm 2020 đến nay đã kích hoạt các doanh nghiệp Thanh Hóa chuyển đổi số. Tuy nhiên, một bộ phận doanh nghiệp vẫn "mơ hồ" về chuyển đổi số, do vậy gặp khó khăn trong việc xác định chiến lược và bước đi ban đầu. Phần lớn chưa nhận thức và tìm ra sự gắn kết giữ lợi ích của việc chuyển đổi số với mục tiêu kinh doanh.

Theo ông Nam, để thực hiện chuyển đổi số thành công, cần phân tích rõ nguyên nhân tại sao doanh nghiệp vẫn chưa hào hứng chuyển đổi số? Có phải vì khó khăn về tài chính, về nhận thức, hay khó khăn trong tiếp cận công nghệ? Để từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, cần đặt mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn một cách cụ thể, rõ ràng. Phấn đấu đến năm bao nhiêu thì 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện chuyển đổi số thành công?

Ông Nam cũng cho rằng công tác tuyên truyền thực hiện chuyển đổi số chưa tốt. Vì vậy cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến những chương trình, chính sách hỗ trợ chuyển đổi số để doanh nghiệp dễ dàng nắm bắt và tiếp cận chính sách.

Hội nghị đã được nghe, xem nhiều mô hình chuyển đổi số thành công do các diễn giả đến từ Tổng công ty Mobifone, Công ty CP Misa… trình bày và cùng nhau thảo luận nhiều vấn đề liên quan. Nhiều ý kiến cho rằng, để chuyển đổi số ở Thanh Hoá thành công rất cần vai trò cầu nối, tạo sân chơi có tính chủ động của Sở TTTT với vai trò kết nối, định hướng, VCCI Thanh Hoá và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh với vai trò kết nối cộng đồng doanh nghiệp với chính quyền, hỗ trợ, đồng hành các doanh nghiệp nói chung và thúc đẩy vai trò đi đầu của các doanh nghiệplĩnh vực công nghệ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn