MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những phận người vẫn lặng lẽ sống nốt cuộc đời trong trại phong Phú Bình (Thái Nguyên).

Chuyện được - mất của những phận đời hàng chục năm lặng lẽ ở trại phong

Việt Bắc LDO | 30/03/2024 06:30

Thái Nguyên - Trại phong Phú Bình đã trở thành quê hương thứ hai của rất nhiều con người mang trong mình chứng bệnh "tứ chứng nan y" một thời, những vết thương còn đó nhưng hạnh phúc cũng đã nở hoa.

Mất mát quá lớn

Vừa bước sang tuổi 79, lại thêm 1 năm nữa, ông Nghiêm Xuân Chính (Bắc Ninh) gắn bó với trại phong Phú Bình. Nhưng việc đó đã không còn đáng bận tâm nữa bởi ông Chính đã có hơn 62 năm sống trong khu trại này.

Bi kịch đến vào năm 10 tuổi khi ông Chính phát hiện ra mình mắc bệnh phong nhưng lúc đó, ông cũng chưa ý thức được căn bệnh này sẽ là ngã rẽ, thay đổi cả một kiếp người.

Ông Chính nhìn ra khoảng trời khu trại phong Phú Bình qua song sắt cửa sổ cùng tiếng thở dài trong sự đau đớn: "Ngày đó, định kiến về căn bệnh này rất khủng khiếp. Cái tin tôi bị bệnh phong được đã được truyền đi khắp xóm làng, nhiều người không dám lại gần, thậm chí còn cầm gậy đánh đuổi vì sợ lây bệnh".

Ông Chính đã có hơn 62 năm sống ở trại phong Phú Bình, đây đã là quê hương thứ 2 của ông.

Đến năm 17 tuổi, ông quyết định đến trại phong Phú Bình để điều trị và nương náu, tránh khỏi sự lạnh nhạt của người đời, sự mặc cảm của bản thân. Từ đó đến nay, ông Chính chưa một lần trở lại quê hương, nơi đó chỉ còn trong ký ức.

Nhọc nhằn đưa đôi bàn tay đã không còn rõ hình dáng lên ngang ngực, ông Chính chỉ biết thở dài: "Mất nhiều quá, căn bệnh quái ác này cứ âm ỉ gặm nhấm từng ngón tay rồi đến chân", ông Chính biết mình đã bị coi như một người dị dạng, phải cách biệt với xã hội: "Dần rồi cũng quen thôi, khu trại này cách biệt bên ngoài mà".

Nhưng có lẽ với ông Chính và nhiều người cùng cảnh ngộ trong trại phong này, thứ mất lớn nhất đối với họ là chứng kiến những người sống cùng đã gần cả cuộc đời dần rời xa. Có người được người thân đón về nhưng cũng có người ra đi mãi mãi.

Biến chứng để lại trên cơ thể những người bị bệnh phong ở trại phong Phú Bình.

Ông Chính bảo: "Nói là mất quê thế thôi chứ bây giờ, tôi không muốn về, ở đó còn ai đâu, mình ở đây cũng là quê rồi. Chỉ buồn nhất là nhìn những bạn già đã gắn bó cùng mình cả vài chục năm cứ thế ra đi mãi mãi".

Năm 2021, người bạn cùng phòng hơn 30 năm của ông Chính đã mất. Từ đó đến nay, một mình ông sống trong căn phòng nhỏ giữa khu trại và chờ đợi cái ngày sẽ được gặp lại bạn.

Hoa nở trên đá

Cũng bị giày vò bởi căn bệnh quái ác, bà Vũ Thị Tài (Hải Dương) phát hiện bản thân bị phong năm 12 tuổi. Trải qua nhiều khu điều trị khác nhau, khoảng năm 1980, bà được chuyển đến trại phong Phú Bình.

"Khi đến đây, mọi người vẫn mang nhiều mặc cảm. Thế nhưng, sau thời gian dài gắn bó, sẻ chia, trại phong với họ còn hơn cả một mái nhà. Không chỉ là chỗ nương náu, về đây, tôi đã tìm được một nửa của đời mình", bà Tài chia sẻ.

Trại phong Phú Bình là ngôi nhà chung của những con người cùng cảnh ngộ.

Lúc mới đến khu điều trị được vài năm, đồng cảm cảnh ngộ với nhau, bà và ông Phạm Sỹ Thường (Phổ Yên, Thái Nguyên) đã bén duyên vợ chồng. Với bà Tài, đây là khoảng thời gian hạnh phúc nhất cuộc đời.

Nhớ lại thời điểm đó, khoảnh khắc ánh mắt bà Tài như bừng sáng hiếm hoi trong suốt cuộc trò chuyện hơn 30 phút: "Ngày đó, khi quyết định đến với nhau, ông đưa tôi về nhà để cùng làm đăng ký kết hôn. Đám cưới diễn ra giản dị, không loa đài, bia rượu nhưng cả hai đều thấy hạnh phúc".

Từ ngày nên duyên vợ chồng, căn phòng nhỏ đong đầy yêu thương, là tổ ấm gia đình. Hai ông bà nương tựa vào nhau để sống nốt quãng thời gian còn lại. Năm 2023, do tuổi cao, sức khoẻ yếu nên ông Thường qua đời, để lại bà một mình lủi thủi trong căn phòng chất chứa bao kỷ niệm.

Bà Tài hồi tưởng về khoảng thời gian bên người chồng đã qua đời.

Hàng chục năm gắn bó với trại phong Phú Bình, mỗi bệnh nhân đều có những kỷ niệm khắc cốt ghi tâm riêng. Dù phải chịu hoàn cảnh éo le, thế nhưng trong họ vẫn lóe lên khát vọng sống, mong cầu một cuộc sống hạnh phúc.

Theo ông Đồng Văn Thành - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình, những người ở trại phong đa số đến đây từ khi còn trẻ, nay đã già. Tại đây, các ông bà có nhân viên y tế chăm sóc sức khoẻ, được hỗ trợ khoảng 2.000.000 đồng và hưởng chế độ mua bảo hiểm y tế chăm sóc toàn diện.

Bến đỗ cuối cùng của cuộc đời

Khu điều trị phong (Phú Bình, Thái Nguyên) thuộc Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình có diện tích gần 4.000m2. xây dựng hoàn thành năm 1960. Có thời điểm, cơ sở có đến 100 bệnh nhân điều trị.

Từ năm 2000, bệnh nhân phong cuối cùng được chữa khỏi, hiện nay, cơ sở chỉ còn 51 người và đều là những người đã được chữa khỏi bệnh. Tuổi đã cao và đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau nhưng họ không muốn rời xa khu trại này, các cụ chọn đây là bến đỗ cuối cùng của cuộc đời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn