MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh. Ảnh: Đặng Chung

Chuyên gia bật mí phương hướng chọn ngành nghề không sợ thất nghiệp

Sương Mai LDO | 21/06/2020 19:21
Trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh diễn ra ngày 21.6 tại Hà Nội, chuyên gia đã có những tư vấn, gợi ý cho các thí sinh về nhu cầu nhân lực của một số ngành nghề và cơ hội việc làm trong tương lai.

Trao đổi tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh được tổ chức tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, ông Đào Trọng Độ - Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, do chính phủ Việt Nam muốn đưa du lịch trở thành ngành kinh tế chủ lực nên hiện nay, nhu cầu về nhân lực dịch vụ khách sạn rất lớn, trải dài nhiều trình độ. Nhất là những nhân lực trình độ bậc trung và bậc cao trong khối quản trị nhà hàng.

Mức thu nhập của các vị trí quản lý tại các khách sạn 5 sao trong nước, quốc tế đầu tư rất hấp dẫn, dao động từ 1.000 đến 2.000 USD cho mức khởi điểm.

Một ngành khác cũng được chuyên gia nhận định có cơ hội việc làm rất tốt trong môi trường quốc tế chính là ngành logistics- ngành hậu cần.

Theo chia sẻ của PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trường ĐH Ngoại thương, logistics là ngành giao thoa giữa kinh tế và kĩ thuật. Thông qua việc áp dụng công nghệ, ngành này giúp việc cung ứng hàng hoá trên thế giới trở nên thuận lợi hơn và mở ra cơ hội việc làm lớn. Hiện nay, trong quá trình đào tạo các trường cũng lồng ghép với các chứng chỉ quốc tế, đảm bảo chuẩn đầu ra để các sinh viên có thể làm việc trong các công ty quốc tế.

Chuyên gia tư vấn về cơ hội việc làm cho các thí sinh. Ảnh: CHÍ TUỆ 

Tại buổi tư vấn tuyển sinh, nhiều thí sinh bày tỏ thắc mắc về sự phát triển và cơ hội của việc làm liên quan đến ngành lịch sử trong tương lai.

Giải đáp vấn đề này, TS Nguyễn Đào Tùng, Phó Giám đốc Học viện Tài chính khẳng định, cơ hội việc làm của ngành này rất lớn.

"Tôi nghĩ truyền thông của ta chưa làm tốt về lịch sử dẫn đến mọi người nghĩ ngành này khó xin việc. Lịch sử có vai trò rất quan trọng, càng muốn phát triển kinh tế, càng cần phải biết lịch sử", TS Tùng chia sẻ.

Ngoài một số ngành nghề trên, thí sinh cũng đặt vấn đề với các chuyên gia về việc liệu nhà báo có giữ được vai trò của mình trước công nghệ trí tuệ nhân tạo ngày càng thay thế được một số công việc của người làm báo.

Trước những thắc mắc của các bạn trẻ, đại diện Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định, người làm báo vẫn có thể giữ được vị thế ở các lĩnh vực đòi hỏi sự chuyên sâu và phân tích nhiều vấn đề hơn. 

Vị đại diện này phân tích, mặc dù hiện tại trí tuệ nhân tạo đang đạt đến thời kỳ hưng thịnh với sự giúp sức của các cuộc cách mạng khoa học công nghệ. Nhưng trí tuệ nhân tạo mới chỉ thay thế phóng viên đưa tin với các dữ liệu có sẵn thông qua các thuật toán. Việc phân tích, đánh giá, bình luận vấn đề vẫn cần phải có các nhà báo chuyên môn.

Vì vậy, nhà báo muốn giữ được vai trò của mình thì phải liên tục trau dồi những kỹ năng và nền tảng chắc chắn để cạnh tranh với sự phát triển của máy móc, công nghệ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn