MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chuyên gia bày tỏ quan ngại nạn cát tặc “tung hoành” hạ nguồn sông Tiền

Thành Nhân LDO | 12/03/2023 16:27
Tiền Giang - Việc khai thác cát sông ở vùng ven biển về lâu dài sẽ dẫn đến hệ lụy gây gia tăng sạt lở và mặn xâm nhập xuống tầng nước ngầm trong lòng đất. 

Liên quan đến việc khai thác cát ở hạ nguồn sông Tiền, PGS.TS Lê Anh Tuấn - Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ - phân tích: Cát ở vùng ven biển có nhiệm vụ gia cố, nếu khai thác cát ở đây sẽ rất dễ dẫn đến nguy cơ gia tăng tình trạng sạt lở.

Ngoài ra, theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, khi khai thác sẽ làm mất lớp cát mặt ở vùng cửa sông ven biển. Từ đó, khi nước mặn từ biển xâm nhập vào, không có lớp cát mặt sẽ dễ thấm xuống tầng nước ngầm trong lòng đất. Đồng thời, còn làm xáo trộn hệ sinh thái ở đây.

Do vậy, nếu tình trạng khai thác cát ở vùng ven biển không được ngăn chặn kịp thời, tình trạng sạt lở sẽ còn gia tăng, đặc biệt là rất dễ dẫn đến hệ lụy nặng nề về sau.

 Cát tặc tung hoành hạ nguồn sông Tiền (thuộc địa bàn huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang). Ảnh: Thành Nhân

PGS.TS Lê Anh Tuấn cũng cho biết thêm, những đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông không chỉ tác động làm thay đổi dòng chảy, đặc biệt là trong tình hình biến đổi khí hậu mà còn giữ lại lượng lớn bùn cát trong các hồ chứa thủy điện. Điều đó đã làm cho nguồn cát đi về ĐBSCL bị sụt giảm rất nhiều, giảm khoảng hơn một nửa so với trước.

Vì vậy, những năm qua việc khai thác cát nhiều mà không bồi đắp dẫn đến thiếu cát trầm trọng, đặc biệt là loại cát vàng (loại cát để xây dựng) phục vụ cho việc xây dựng các công trình trọng điểm ở ĐBSCL.

Trước đó, ngày 10.3, Báo Lao Động đã đăng thông tin: "Cát tặc tung hoành hạ nguồn sông Tiền" phản ánh về việc nhiều tàu khai thác cát trái phép “tung hoành” dưới hạ nguồn sông Tiền, Công an địa phương cho rằng, không thể xử lý dứt điểm vì gặp khó khăn do thiếu nhân lực để truy quét.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn