MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các chuyên gia đóng góp ý kiến về phòng chống dịch COVID-19 với lãnh đạo TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chuyên gia đề xuất lãnh đạo TPHCM nên xét nghiệm chọn lọc thay vì diện rộng

MINH QUÂN LDO | 17/09/2021 14:02

Một số chuyên gia đề xuất với lãnh đạo TPHCM không nên xét nghiệm tầm soát diện rộng vì tốn kém chi phí, thay vào đó là xét nghiệm tầm soát tập trung đối tượng, khu vực có nguy cơ cao.

Ngày 17.9, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã gặp gỡ, lắng nghe các chuyên gia góp ý về kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế sau ngày 15.9.

Tại buổi gặp gỡ, PGS.TS Đỗ Văn Dũng -  Đại học Y Dược TPHCM đề xuất, TPHCM cần chuyển chiến lược với COVID-19 từ “đánh nhanh, thắng nhanh, tốc chiến, tốc thắng” sang “đánh chắc, thắng chắc”.

Đồng thời, ông phân tích việc thích ứng an toàn với COVID-19, bởi nếu quét sạch COVID-19 lần này cũng không đảm bảo COVID-19 sẽ không đến một lần nữa. Nhận định đây là một cuộc chiến lâu dài, ông Đỗ Văn Dũng đề nghị TPHCM không nên tốn quá nhiều sức lực dẫn đến kiệt quệ.

“Chúng ta có thể tiêu diệt COVID-19, nhưng không thể tiêu diệt trong hôm nay, tháng này, năm nay mà phải trong những năm tới cùng các quốc gia khác chứ không thể đơn độc” - ông Đỗ Văn Dũng nói.

Vì thế, ông đề nghị ngành y tế không nên tiếp tục xét nghiệm diện rộng, tiếp tục truy vết vì rất tốn kém, mà phải chuyển thành xét nghiệm những đối tượng nguy cơ cao, có triệu chứng.

Theo ông, xét về tổng thể, TPHCM cần xác định “sống chung” và tính toán mở cửa kinh tế từng phần để phục hồi. “Nếu không mạnh dạn mở cửa thì ngân sách sẽ thiệt hại rất nhiều. Nếu tiêm chủng đủ, nên mạnh dạn trong mở cửa” – ông Đỗ Văn Dũng đề nghị.

Ông Dũng cho rằng, TPHCM cần tính toán mở lại các hoạt động sản xuất hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trước. Nếu có trường hợp dương tính tại một số doanh nghiệp thì đương nhiên phải cách ly nhưng các trường hợp còn lại có thể chỉ cần xét nghiệm để xác định ca mắc, có biện pháp xử lý phù hợp, thay vì bắt đóng cửa, dừng hoạt động cả doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, GS Trần Diệp Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Dược TPHCM nêu vấn đề, TPHCM xét nghiệm để bóc tách, chuyển F0 đi nơi khác để giữ khu dân cư xanh. Nhưng nếu giữ vùng xanh bằng cách này thì cứ phải làm xét nghiệm với tần suất 3 ngày/lần (vì kết quả xét nghiệm chỉ có giá trị trong 3 ngày), nghĩa là cứ phải làm hoài.

Vì vậy, ông Trần Diệp Tuấn đề nghị cần thống nhất quan điểm không cần thiết phải xét nghiệm trên diện rộng, chỉ xét nghiệm đối với những trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19. Nguồn lực lúc này cần được tập trung vào bao phủ vaccine tới người dân, nhất là đối với người có nguy cơ cao, người trên 65 tuổi.

Dự báo khi TPHCM nới lỏng giãn cách thì chắc chắn F0 sẽ tăng. Ông Trần Diệp Tuấn đề nghị TPHCM ngay từ bây giờ cần chuẩn bị, tăng cường hệ thống y tế để chăm sóc F0 tại cộng đồng, can thiệp sớm, hỗ trợ kịp thời cho F0 khi có yêu cầu chăm sóc y tế.

PGS Vũ Minh Phúc - cố vấn Bộ môn Nhi (Đại học Y Dược TPHCM) cũng cho rằng TPHCM không nên xét nghiệm tầm soát diện rộng nữa vì tốn kém chi phí rất nhiều, thay vào đó là xét nghiệm tầm soát tập trung đối tượng có nghi ngờ, nguy cơ cao như giao thương, sân bay…

Trước đó, Hội nghị Thành ủy TPHCM mở rộng ngày 14.9 đã thống nhất 3 giai đoạn phòng chống dịch và phục hồi kinh tế tại thành phố gồm: giai đoạn 1 từ ngày 1.10 đến ngày 31.10; giai đoạn 2 từ ngày 1.11  đến ngày 15.1.2022 và giai đoạn 3 từ ngày 15.1.2022 trở đi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn