MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều con sông nội đô Hà Nội bị ô nhiễm. Ảnh: Phương Thảo

Chuyên gia đề xuất tăng giá nước sinh hoạt để bù đắp chi phí xử lý nước thải

Phương Thảo LDO | 05/11/2023 11:44

Bốn con sông nội đô Hà Nội bao gồm: Tô Lịch, Kim Ngưu, Sét và Lừ đang từng ngày bị “bức tử” vì ô nhiễm. Nguồn nước của những con sông huyết mạch này đã và đang bị đủ các loại rác, nước thải sinh hoạt bủa vây, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống người dân.

Báo Lao Động có cuộc trao đổi với TS Hoàng Dương Tùng (chuyên gia môi trường) về vấn đề này.

Thưa ông, là chuyên gia về môi trường ở Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về thực trạng bốn con sông nội đô Hà Nội bao gồm sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét hiện nay?

- Theo kết quả quan trắc của cơ quan quản lý, bốn con sông nội đô Kim Ngưu, Lừ, Sét, Tô Lịch hiện nay bị ô nhiễm trầm trọng. Nước thải sinh hoạt từ các hộ dân, khu đô thị chưa qua xử lý chảy thẳng ra sông, trong khi đó các dòng sông này lại không có dòng bổ cập nên tình trạng ô nhiễm vẫn tồn tại trong nhiều năm nay. Hiện nay, TP Hà Nội đã có những cố gắng trong việc thu gom nước thải sinh hoạt thế nhưng tình trạng sông “bẩn” vẫn rất nghiêm trọng.

Thời gian qua TP Hà Nội đã đưa ra các giải pháp để kiểm soát tình trạng ô nhiễm của các con sông, nhưng đến nay những con sông này vẫn được gọi là “dòng sông chết”. Theo ông nguyên nhân là do đâu?

- Theo tôi, nguyên nhân ô nhiễm của các con sông đến từ việc xả nước thải sinh hoạt của các hộ dân, khu đô thị thẳng ra sông mà chưa qua xử lý, trong khi đó, dòng nước tự nhiên tại các con sông này rất ít nên việc dẫn tới ô nhiễm là điều đương nhiên.

Hiện nay, TP Hà Nội đã có những phương án thu gom, xử lý nước thải trước khi đổ ra sông. Ví dụ như sông Tô Lịch đã và đang làm các hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt của các hộ dân, khu đô thị. Như vậy sông Tô Lịch sẽ không nhận trực tiếp nước thải và được bổ cập nước từ sông Hồng giúp con sông này có một dòng chảy môi trường đảm bảo chất lượng.

Và chúng ta chỉ mới làm được ở một số đoạn sông, thực tế vẫn còn rất nhiều đoạn, dòng sông vẫn nhận trực tiếp nước thải từ các hộ dân, các khu đô thị nên tình trạng ô nhiễm vẫn diễn ra.

Ông nhận định như thế nào về những dự án cải tạo làm sạch nước sông ô nhiễm hiện nay?

- Các dự án cải tạo làm sạch nước bốn con sông nội đô hiện nay đã được Hà Nội chú ý và được một số tổ chức nước ngoài hỗ trợ. Chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm của các nước tiên tiến hiện nay. Ví dụ như Hàn Quốc, sau khi thu gom, xử lý nước thải họ xây dựng lại cảnh quan hai bên bờ sông rất thơ mộng. Tôi hy vọng TP Hà Nội sẽ quyết tâm hơn nữa để đẩy nhanh các dự án như vậy. Và không chỉ riêng sông Tô Lịch, mà ở các sông khác cũng cần sớm triển khai các biện pháp cải tạo để không gây ô nhiễm môi trường nước, giảm thiểu ảnh hưởng đến người dân.

Các con sông nội đô đang bị “bức tử” từng ngày vì nước thải sinh hoạt. Ảnh: Phương Thảo

Ông có đề xuất giải pháp nào để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm tại bốn con sông nội đô hiện nay?

- Thứ nhất, cần bổ sung một số quy định pháp luật. Như một số nước tiên tiến, người ta quy định các công trình xây dựng phải đấu nối với các khu xử lý nước thải tập trung hoặc phải xây dựng hệ thống xử lý nội bộ đáp ứng quy chuẩn.

Thứ hai, cần nghiên cứu tăng giá nước sinh hoạt dần lên. Giá nước sinh hoạt hiện nay rất thấp mà theo quy định chỉ có 10%, bao gồm cả việc xử lý nước thải. Tôi lấy ví dụ, giá nước hiện nay tại Hà Nội là 6.000- 7.000 đồng/khối, 10% cho xử lý nước thải là 600 đồng/khối, còn xa với giá thành thực tế. Cho nên tôi nghĩ rằng phải nâng dần giá nước lên để một mặt người dân có ý thức tiết kiệm nước, thứ hai là có kinh phí bù đắp cho việc xây dựng các cái hệ thống xử lý nước thải.

Thứ ba, cần phải có cơ chế để các đơn vị tư nhân cùng vào cuộc để có nguồn đầu tư xây dựng các hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung hoặc phân tán. Hiện nay chúng ta đã có khoảng 15 nhà máy xử lý rác thải, có thể xây dựng thêm với nhiều phương án khác nhau, nơi nào cần tập trung, nơi nào nên phân tán, đấy là những điều vô cùng cần thiết. Và những điều chúng ta hoàn toàn có thể làm được nếu có sự quyết tâm của cả người dân và các cấp chính quyền.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn