MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tình hình sụt lún, sạt lở đất đang diễn ra nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Phan Tuấn

Chuyên gia địa chất hàng đầu bắt tay tìm nguyên nhân sạt lở ở Đắk Nông

Phan Tuấn LDO | 09/08/2023 09:54

Các chuyên gia địa chất hàng đầu Việt Nam đã có mặt và đang bắt tay làm việc, xác định nguyên nhân sụt lún, sạt lở ở trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên đã ký quyết định ban bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó, khắc phục.

Cụ thể, các khu vực được ban bố tình huống khẩn cấp về thiên tai gồm: Công trình hồ chứa nước Đắk N’ting xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong; công trình đường Hồ Chí Minh tại đoạn qua phường Nghĩa Thành, thành phố Gia Nghĩa; khu vực sạt trượt bon Bu Krắc, bon Bu Prăng 1A xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức.

Liên quan đến việc xác định nguyên nhân để có giải pháp khắc phục sự cố, thông tin từ Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đắk Nông cho biết, Đoàn công tác của Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam (thuộc Cục Địa chất Việt nam) đã có mặt khảo sát điểm sạt trượt trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua thành phố Gia Nghĩa.

Ngoài điểm sạt lở trên đường Hồ Chí Minh, Đoàn khảo sát dự kiến sẽ khảo sát các điểm sạt trượt khác ở bon Bu Krắk, xã Quảng Trực (Tuy Đức) và đập hồ chứa nước Đắk N’Ting, xã Quảng Sơn (Đắk Glong). Đây là những điểm có diễn biến sạt trượt rất phức tạp trong những ngày qua.

Liên quan đến sự việc sạt lở, sụt lún thời gian qua, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông cho biết, hiện nay, tình trạng sạt trượt nghiêm trọng đang xảy ra ở khu dân cư, đường giao thông và cả công trình hồ đập thủy lợi.

Nguyên nhân chủ yếu là do mưa lớn, kéo dài. Nước thấm sâu khiến nền đất nặng hơn. Các khu vực có địa hình cao xuất hiện tình trạng trượt cục bộ xuống các thung lũng sâu.

Về giải pháp lâu dài, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông cho rằng, cần có sự đánh giá của đội ngũ chuyên gia.

“Việc các chuyên gia địa chất đến Đắk Nông có thể giúp cho địa phương tìm được nguyên nhân và đánh giá mức độ ảnh hưởng. Từ đó, các chuyên gia sẽ giúp tỉnh có giải pháp khắc phục tình trạng này” - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Văn Minh chia sẻ.

Theo TS. Đỗ Văn Lĩnh, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam, việc khảo sát của Đoàn công tác nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ban đầu, Đoàn dự kiến chỉ khảo sát điểm sạt lở ở bon Bu Krắk.

Tuy nhiên, Đoàn sẽ khảo sát ở một số điểm sạt lở mạnh ở Đắk Nông. Qua đó, Đoàn sẽ đăng ký làm việc với tỉnh để trao đổi một số nội dung liên quan đến nguyên nhân và giải pháp ứng phó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn