MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Steve Jackson "choáng ngợp" trước việc xài hàng hiệu của người Hà Nội.

Chuyên gia lý giải chuyện nhiều người Hà Nội ăn tiêu “sang chảnh”, sắm toàn đồ hiệu

Bích Hà LDO | 03/10/2017 06:30
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Ánh Hồng, ở Hà Nội và nhiều khu vực đang xảy ra sự phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn. Không ít người thích chạy theo hào nhoáng, khoe mẽ, mà không biết rằng điều đó không làm nên giá trị của một con người.

Nhiều người trẻ đang chạy theo giá trị ảo

Những giờ qua, nhận xét "nhiều người Hà Nội đang ăn tiêu sang chảnh hơn đồng lương mà họ kiếm được mỗi tháng…" của anh Steve Jackson - quốc tịch Anh (hiện đang giữ chức vụ giám đốc truyền thông số tại tổ chức phi lợi nhuận giúp đỡ các em nhỏ mang tên OneSky) vẫn gây tranh cãi.

Để minh chứng, Steve Jackson kể một số đồng nghiệp của mình lương không cao so với đồng nghiệp nước ngoài ở cùng chỗ làm, nhưng thường xuyên đi du lịch ở nơi đắt đỏ, ăn uống ở nơi sang trọng, dùng toàn đồ hiệu, rồi chia sẻ hình ảnh lên Facebook.

“Tôi không hiểu họ lấy tiền đâu ra để phục vụ cho lối sống ấy?” – là thắc mắc của Steve Jackson.

Hội con nhà giàu Việt Nam với nhiều lượt theo dõi trên mạng xã hội.

Nhiều ý kiến cho rằng ở VN nhiều người đang sống bằng những khoản thu nhập khác ngoài lương, mà người Tây không hiểu được.

Đánh giá góc nhìn của vị giám đốc người Anh về lối sống và cách tiêu tiền của người Hà Nội, TS Nguyễn Thị Ánh Hồng (Trưởng Khoa Văn hóa - Phát triển, Học viện Báo chí Tuyên truyền) cho rằng: “Việc một người nước ngoài nhận xét về người Hà Nội như thế là một điều đáng cảnh báo cho chúng ta. Nó không hoàn toàn đúng, nhưng không sai.

Nó đúng với một bộ phận ngày càng lớn trong xã hội VN bây giờ, đó chính là đội ngũ thanh thiếu niên. Đáng lẽ phải xác định được lý tưởng thì các bạn trẻ bây giờ lại chạy theo hào nhoáng, sống hưởng thụ, coi vật chất là một thước đo, để chứng tỏ đẳng cấp, vị thế của mình. Họ có thể chấp nhận đánh đổi để có được những giá trị ảo này”.

Cũng theo TS Hồng, tất cả những vật chất đều là vật ngoài thân. Nó không làm nên giá trị con người. Cái làm nên giá trị, nhân cách chính là phẩm hạnh, năng lực và trí tuệ.

Giàu càng giàu, nghèo vẫn hoàn nghèo

TS Nguyễn Thị Ánh Hồng chia sẻ thêm, cách nhìn của vị khách nước ngoài này đã chỉ ra một thực tế đang tồn tại ở Hà Nội - sự phân hóa giàu nghèo.

“Do tác động của kinh tế thị trường, một số người giàu lên quá nhanh. Nhưng hạnh phúc cũng giống như một tấm chăn, nếu một người cứ kéo cho mình nhiều quá thì người khác sẽ hở chân, hở lưng.

Xã hội cũng vậy, khi có một nhóm người quá giàu - tôi cũng chưa biết họ giàu bằng cách nào và họ đang cố gắng tìm cách để tiêu cho hết tiền, thì cũng có những người rất nghèo - họ không có những đồng tiền nhỏ nhoi nhất để kéo dài sự mưu sinh. Người giàu thì ngày càng giàu thêm, còn nghèo vẫn hoàn nghèo. Những gì mà Steve Jackson nhìn thấy chỉ là bề nổi, ở nhóm người giàu, thượng lưu, thích khoe mẽ mà thôi” - TS Hồng phân tích.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn