MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
GS.TSKH Dương Đức Tiến có mặt khảo sát tại hồ Hoàn Kiếm.

Chuyên gia lý giải hiện tượng mặt nước ven bờ hồ Hoàn Kiếm có màu xanh bất thường

VƯƠNG TRẦN LDO | 19/04/2018 16:38
Thời gian gần đây, mặt nước tại khu vực hồ Hoàn Kiếm xuất hiện dải nước váng màu xanh quanh bờ hồ. Nhiều người dân và chuyên gia nghi ngại hiện tượng này có thể do tảo độc gây ra.

Theo ghi nhận của PV Lao Động, ngày 19.4, mặt nước ven hồ Hoàn Kiếm đang xuất hiện những váng xanh dạt vào ven bờ dọc các tuyến phố. Sự xuất hiện của những váng xanh làm cả khu vực nước bờ hồ đổi màu trông rất rõ.

Theo một số người dân, váng nước này đã xuất hiện khoảng 1 tuần trở lại đây. Trước hiện tượng này, nhiều người dân nghi ngại  tảo độc nở hoa gây nên những ảnh hưởng tiêu cực cho môi trường nước hồ Hoàn Kiếm.

Đại diện công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội lại cho rằng, váng xanh ở Hồ Hoàn Kiếm hiện nay không phải là tảo nở hoa vì hồ đã được làm sạch. Mới đây, công ty Thoát nước Hà Nội đã thả, cấy tảo lục xuống hồ Hoàn Kiếm nhằm tạo màu xanh đặc hữu riêng có của hồ này. Theo đó, 22 can nước chứa tảo lục nguyên thủy của Hồ Gươm (mỗi can 100 lít) đã được đưa xuống hồ.

Váng xanh bất thường xuất hiện ở hồ Hoàn Kiếm.

Tuy nhiên, theo GS.TSKH Dương Đức Tiến - Trung tâm công nghệ sinh học phục vụ đời sống và sản xuất, một trong những người nghiên cứu về tảo có mặt tại hồ Hoàn Kiếm - khảo sát cho hay: Hiện tượng dải nước xanh xuất hiện tại hồ là do các vi khuẩn lam (tảo lam) gây ra.

“Thời tiết giao thời giữa mùa xuân – hạ làm vi khuẩn lam phát triển theo cấp số nhân hay còn được gọi là hiện tượng tảo nở hoa. Việc vi khuẩn lam phát triển khiến cho màu nước tại hồ không đẹp, làm mất đi vẻ đẹp của hồ. Hơn nữa, Hồ Gươm vừa cải tạo xong không nên để vi khuẩn này phát triển” – GS Tiến cho biết

Cũng theo GS Tiến, đây là loại vi khuẩn không có lợi, nếu tiếp xúc nhiều về lâu dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Do vậy, cần có phương án chủ động thu gom lại vi khuẩn này, hạn chế sự phát triển của chúng.

GS.TSKH Dương Đức Tiến cũng cho biết, trong Hồ Gươm có hàng trăm loài vi tảo, do đó việc phát triển cần có sự chọn lọc. Đối với những loài đặc hữu thì nên giữ còn loại tảo độc nên loại bỏ.

“Ví dụ, tảo lục đặc hữu ở Hồ Gươm là ngành tảo lớn có ở nhiều hồ khác, nhưng tại Hồ Gươm loài này mang tính riêng biệt, không những quý hiếm với Việt Nam mà quý hiếm với thế giới. Tảo này tạo nên màu xanh đặc trưng cho Hồ Gươm. Cũng bởi vì có màu xanh đó nên Hồ Gươm còn được nhiều người gọi với tên là hồ lục thủy” – GS. Tiến cho biết thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn