MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chuyên gia lý giải vì sao dịch bệnh tay chân miệng lan nhanh ở phía Nam

NGUYỄN LY LDO | 24/06/2023 15:58

Dịch bệnh tay chân miệng tăng và nhiều ca nặng do có sự thay đổi gene gây bệnh từ B5 sang C4 của chủng Enterovirus 71 (EV71), trong khi cộng đồng chưa có miễn dịch với gene gây bệnh này.

Tại 20 tỉnh miền Nam đã ghi nhận khoảng 9.000 ca bệnh tay chân miệng trong 5 tháng đầu năm nay, trung bình khoảng 400 ca mỗi tuần, thấp hơn 45% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên số ca mắc mới đang có xu hướng tăng từ cuối tháng 4 đến nay, trong đó đáng chú ý hơn nữa là số ca nặng và số ca tử vong do bệnh tay chân miệng đang gia tăng và đã cao hơn cùng kỳ năm trước.

Hoạt động giám sát từ phòng xét nghiệm cũng đã phát hiện tỉ lệ virus EV71 đang dần chiếm tỉ trọng ưu thế trong các mẫu xét nghiệm ca bệnh nặng. Virus EV71 là tác nhân thường gây dịch, gây ra biến chứng và nguy cơ dẫn đến tử vong cao hơn các chủng virus khác.

Bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: NGUYỄN LY

Theo tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng - Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, sau gần 2 năm không phát hiện, đây là tác nhân gây bệnh nguy hiểm, với tỉ lệ bệnh nặng cao và tử vong nhanh hơn so với các tác nhân khác. Dự báo có thể chủng  virus EV71 sẽ chiếm ưu thế trong thời gian tới.

Các giám sát vi sinh học phân tử hiện nay cho thấy, chủng virus EV71 gây bệnh tay chân miệng hiện nay tại miền Nam là subgenotype B5, đây cũng là nhóm tác nhân cùng với subgenotype C4 gây bệnh cảnh tay chân miệng nặng tại miền Nam từ năm 2011 đến nay. Hiện chưa có nghiên cứu nào cho thấy sự thay đổi về độc lực gây bệnh của virus.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Phó Chủ tịch Liên Chi hội bệnh truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh cho biết, sau đại dịch đã xuất hiện khái niệm ‘trả nợ miễn dịch”, bằng chứng là nhiều bệnh lý khác như virus Adeno, virus hô hấp hợp bào RSV hay viêm phổi đều khiến số ca mắc tăng nhiều.

Nguyên nhân là trẻ “trả nợ miễn dịch” sau một thời gian dài dịch COVID-19 khiến trẻ phải ở trong nhà lâu nên khả năng miễn dịch với một số bệnh truyền nhiễm thường niên kém đi. Sau dịch COVID-19, trẻ sinh hoạt cộng đồng bình thường tăng nguy cơ trẻ trả nợ miễn dịch rất lớn.

Theo chuyên gia này, trước đây, bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Tuy nhiên, trong đợt dịch này, trẻ lớn hơn cũng mắc bệnh. Điều này có nghĩa, dù từng mắc bệnh, nhưng nếu tiếp tục tiếp xúc với nguồn lây, trẻ vẫn có nguy cơ nhiễm trở lại.

Các chuyên gia khuyến cáo, trong bối cảnh bệnh tay chân miệng lây truyền theo đường tiêu hóa và hiện chưa có vaccine phòng bệnh tại Việt Nam, các biện pháp phòng chống dịch cần căn cứ vào tình hình dịch, đặc thù của địa phương và tiến hành xử lý ngay trong vòng 48 giờ khi phát hiện trường hợp bệnh hay ổ dịch. Cần giữ vệ sinh sạch sẽ cả người lớn và trẻ em, đặc biệt là những vùng có nguy cơ cao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn