MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS.TS Trần Thành Nam trao đổi về việc học trực tuyến. Ảnh PV

Chuyên gia mách nước để học sinh không bị hổng kiến thức sau học trực tuyến

Vương Trần - Hà Phương LDO | 03/03/2021 15:50
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, khi trở lại đợt học tập trung, với học sinh tiểu học, giáo viên nên bổ sung lại những kiến thức trong đợt học trực tuyến để giúp các con củng cố, không bị hổng kiến thức.

Dù rất cố gắng song học trực tuyến không thể đạt 100% hiệu quả

Hôm nay (3.3), ngày thứ hai gần 2 triệu học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội trở lại học tập trung sau đợt nghỉ lễ Tết Nguyên đán Tân Sửu và đợt học trực tuyến để phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Nhiều phụ huynh bày tỏ mong muốn, trong đợt học tập trung trở lại này, những kiến thức trong đợt học trực tuyến sẽ được củng cố lại để học sinh không bị hổng kiến thức.

Là người trực tiếp tham gia vào quá trình giảng dạy trực tuyến, cô giáo Vương Thị Hồng Lệ (Trường Tiểu học Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, quá trình học trực tuyến, giáo viên đã có những điều chỉnh, hướng dẫn các em cho phù hợp. Tuy nhiên, việc học trực tuyến cũng không thể đáp ứng 100% hiệu quả và chất lượng như là học trực tiếp.

This browser does not support the video element.

Phụ huynh, giáo viên đánh giá về việc học trực tuyến. Video: Văn Thắng

Bà Lê Thị Tuyết Lan - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Phương đánh giá, trong đợt học trực tuyến, giáo viên của nhà trường cũng như các em học sinh cũng đã có nhiều cố gắng để đáp ứng được tiến độ của chương trình học. Tuy nhiên, việc tiếp thu của học sinh cũng như hiệu quả của việc học online chưa thể bằng học trực tiếp tại trường.

“Tôi cho rằng, hiệu quả của việc học online đạt từ 50-70% đối với học sinh tiếp thu tốt còn những học sinh không tập trung thì tỉ lệ này dưới 50%. Nhiều phụ huynh cũng có phàn nàn về việc học trực tuyến bởi việc này vất vả và chiếm nhiều thời gian hơn của phụ huynh hơn khi các con được học tập trung trên trường, lớp” - bà Lan nói.

Học sinh học trực tuyến để phòng dịch COVID-19. Ảnh: Hồng Lệ.

Cũng theo bà Tuyết Lan, khi quay trở lại trường học học tập trung, các em học sinh sẽ được học kiến thức mới. Trong quá trình giảng dạy nếu phát hiện ở phần nào học sinh còn chưa hiểu bài hoặc kiến thức cũ bị hổng, giáo viên sẽ dừng lại để bổ sung kiến thức. Bởi kiến thức của học sinh là vòng tròn đồng tâm. Nếu không sinh không nắm vững kiến thức trước thì sẽ không hiểu bài và tiếp thu bài được.

“Khi quay trở lại trường, vào mỗi ngày chúng tôi có một tiết hướng dẫn học cuối ngày. Như thường lệ, giáo viên sẽ dành thời gian để ôn luyện, củng cố bài cũ và giới thiệu qua bài mới. Nhưng với những ngày đầu tiên đi học như thế này, tôi cho rằng, các thầy, cô giáo sẽ dành thời gian này để cho các con ôn luyện kiến thức cũ” - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Phương nói.

Có ý nghĩa duy trì nề nếp, giúp học sinh duy trì ý thức học tập

Chuyên gia tâm lý - giáo dục, PGS.TS Trần Thành Nam - Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, việc học trực tuyến giúp các con kết nối với giáo viên trong thời gian xa trường lớp.

Tuy nhiên, theo ông Nam, trong việc học trực tuyến vẫn còn những hạn chế. Ví dụ như một số giáo viên và các con chưa thành thạo về năng lực công nghệ thông tin để kiểm soát lớp học một cách hiệu quả. Về mặt kỹ thuật, vẫn có những âm thanh tự nhiên bật lên, giáo viên chưa kiểm soát hết âm thanh của học sinh. Hay khi giáo viên nhắc nhở môi trường học của các con phải nghiêm túc nhưng khi học ở nhà thì phía sau màn hình vẫn có người này, người kia ngó vào màn hình…

Hay trong quá trình học tập, có những khi giáo viên gọi học sinh trả lời thì các con chưa thực hiện được các thao tác trên máy. Có những học sinh lại ngồi một cách quá thoải mái, nằm trên giường hay vừa ăn vừa học… Nhiều khi những điều đó làm học sinh chưa tập trung học tập và hiệu quả của việc học trực tuyến chưa đạt được như mong muốn.

“Việc học trực tuyến định hướng duy trì nề nếp với các con lớp 1, lớp 2 thôi còn hiệu quả thì còn là một dấu chấm hỏi” - PGS-TS Trần Thành Nam trao đổi.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, việc học trực tuyến có tác dụng duy trì một sự gặp gỡ, sự kết nối giữa cô trò về mặt tâm lý nhiều hơn, chứ không phải chỉ về mặt kiến thức. Do đó, khi trở lại đợt học tập trung, với học sinh tiểu học, giáo viên nên bổ sung lại những kiến thức trong đợt học trực tuyến để giúp các con củng cố kiến thức.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn