MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đề xuất xây 8 trạm bơm dã chiến để cải thiện ô nhiễm sông Nhuệ, sông Tô Lịch. Ảnh: Phạm Đông

Chuyên gia nói về việc xây 8 trạm bơm dã chiến bổ cập nước cho sông Tô Lịch

Phạm Đông LDO | 09/03/2021 17:53

Các ngành chức năng đang lên kế hoạch bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch và sông Nhuệ bằng trạm bơm dã chiến. Tuy nhiên, theo các chuyên gia môi trường, việc lắp đặt 8 trạm bơm dã chiến cần tính toán về công suất, hiệu quả và kinh phí cho hợp lý.

Mới đây, tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội của UBND TP.Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Cao Thắng cho hay, liên ngành thành phố đã khảo sát và đưa ra phương án bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch qua cống Liên Mạc, nhằm cải thiện chất lượng nước con sông này.

Phương án này không chỉ giúp bổ cập cho sông Tô Lịch mà cho cả sông Nhuệ. Vì thế Sở Xây dựng lên kế hoạch "xây 8 trạm bơm dã chiến tại khu vực cống Liên Mạc để bổ cập nước cho sông Nhuệ, sông Tô Lịch, công suất dự kiến khoảng 9 m3/s".

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh (Viện Sinh học Khoa học Công nghệ - Đại học Bách khoa Hà Nội) nhận định, việc bổ cập nước cho sông Tô Lịch là đề xuất nhiều năm nay của nhiều vị giáo sư ở Việt Nam cho Hà Nội.

Đây là giải pháp tốt và nên làm. Tuy nhiên, việc xây dựng, lắp đặt 8 trạm bơm lưu động để bơm nước từ sông Hồng sang sông Tô Lịch thì Hà Nội cần phải xem xét, tính toán lại.

Theo ông Thịnh phân tích, thứ nhất 8 trạm bơm lưu động, về mặt lý thuyết, ngôn ngữ đã cho thấy sự không dài lâu. Hơn nữa, việc lắp đặt trạm bơm gây tốn kém và không phải là giải pháp căn cơ, lâu dài.

“Ý tưởng mặc dù tốt, nhưng xem xét về kinh phí và hiệu quả thì theo tính toán không hợp lý”, ông Thịnh cho hay.

Cống xả thải ra sông Tô Lịch.

Cùng nói về vấn đề này, PGS.TS. Trần Đức Hạ (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước Việt Nam) cho biết, việc lắp đặt 8 trạm bơm bổ cập nước từ sông Hồng sang sông Tô Lịch, nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm cho con sông lịch sử là một giải pháp tốt, nên làm.

Tuy vậy, 8 trạm bơm đó cần tính toán xem công suất hiệu quả như thế nào, kinh phí có cao hay thấp.

Ông Hạ cho biết, ý tưởng này được đề xuất lần đầu tiên bởi các chuyên gia quy hoạch Liên Xô (cũ) cũng trong đồ án Quy hoạch tổng thể phát triển Hà Nội năm 1981.

Theo đồ án này, ngoài nước mưa, nước bổ cập được lấy từ sông Nhuệ bằng trạm bơm, sau cống Liên Mạc, dẫn về một hồ lắng ở khu vực Phú Thượng, Nhật Tân. Sau khi lắng đọng để loại bỏ phù sa, bùn cặn, nước trong sẽ được chảy vào Hồ Tây tạo sự luân chuyển nước rồi đưa vào sông Tô Lịch và các dòng sông trong khu vực nội thành.

Nêu giải pháp làm sạch nước sông Tô Lịch, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay, thay vì việc lắp đặt 8 trạm bơm lưu động, Hà Nội nên đẩy mạnh việc xây dựng thu gom nước thải 2 bên bờ sông như Hà Nội hiện nay đang tiến hành.

Cùng với đó nên lắp đặt 4-5 hố ga 2 bên bờ sông để có thể chứa nước thải khi cần thiết.

“Thêm nữa, lắp đặt các ống nước thải ở 2 bên bờ bằng nguồn nguyên liệu có sẵn như rác thải nhựa đang gây ô nhiễm môi trường ở Thủ đô ép thành nhựa dẻo để sử dụng. Như vậy chúng ta có thể tận dụng được nguyên liệu rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường, vừa giải quyết được vấn đề tại sông Tô Lịch”, ông Thịnh nói.

Ngoài ra, ông Thịnh cho biết thêm, việc bổ cập nước thì không cần máy bơm mà thỉnh thoảng có thể mở cửa sông từ hồ Tây sang sông. Hơn nữa, sông Tô Lịch vẫn nhận một lượng nước mưa nhất định trong năm thì vẫn có thể thau rửa sông được.

Sông Tô Lịch từng là một nhánh nhỏ của sông Hồng, thông thủy với Hồ Tây. Năm 1889 người Pháp lấp một phần sông Tô Lịch để quy hoạch lại phố phường. Sông Tô Lịch ngày nay có chiều dài khoảng 14 km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) chảy về phía nam thành phố và ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (Thanh Trì).

Toàn tuyến sông có hơn 280 cửa xả nước thải. Theo ước tính của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, mỗi ngày 150.000 m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả xuống sông Tô Lịch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn