MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vụ việc trao nhầm con ở Ba Vì gây xôn xao dư luận thời gian gần đây.

Chuyên gia tâm lý “mách nước” để 2 đứa trẻ được đoàn tụ yên vui

VƯƠNG TRẦN - ÁI VÂN LDO | 15/07/2018 13:50
Những ngày gần đây, câu chuyện trao nhầm con tại bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Ba Vì, Hà Nội của gia đình anh Phùng Giang Sơn và chị Vũ Thị H ở Ba Vì nhận được sự chú ý đặc biệt của dư luận.

Cần sự khéo léo từ cả 2 bên gia đình 

Sự việc càng khiến nhiều người chú ý, bởi lẽ những đứa trẻ đã thất lạc bố mẹ đẻ hơn 6 năm. Không những thế, cuộc sống của một gia đình đã xảy ra nhiều biến cố bởi chuyện đứa con sinh ra không giống bố cũng chẳng giống mẹ. Thậm chí, hạnh phúc gia đình bị đổ vỡ vì sự cố hi hữu này.

Liên quan tới vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, sự cố đã xảy ra, tuy nhiên nếu các gia đình không có sự xử lý khéo léo có thể tạo thành cú sốc với các bé.

Nhà nghiên cứu tâm lý học Nguyễn An Chất cho biết: “Trong trường hợp này, gia đình 2 bên đừng nên so sánh về mặt kinh tế hoặc so sánh con được sống sướng còn con thì sống khổ. Thay vào đó, người lớn nên giải thích để các con cảm thấy may mắn vì các con có thêm một người bạn cùng ngày tháng năm sinh, có thêm bố mẹ. Theo tôi, lúc trao con về đúng với bố mẹ ruột thì bố mẹ nên nói với con sự thật chứ không nên giấu giếm”.

Theo ông Chất, bố mẹ nên trò chuyện, nói cho con theo hướng vui vẻ là con vô cùng may mắn khi có bố mẹ đẻ ra con và có bố mẹ nuôi con 6 năm. Thi thoảng 2 gia đình cho các con giao lưu cùng nhau, tổ chức sinh nhật cho các con, để chúng thấy rằng chúng hạnh phúc hơn nhiều đứa trẻ khác khi có tận 2 người bố và 2 người mẹ. 

“Tôi đặc biệt nhấn mạnh, trước mặt các con, bố mẹ không được buông những lời “khổ thân con phải sống khổ, bố mẹ sẽ bù đắp cho con…”, như thế dễ khiến trẻ tổn thương. Bố mẹ nên nhớ một lời nói sẽ làm thay đổi cuộc đời con”, ông Nguyễn An Chất nói.

Để các con có được tình thương từ gia đình lớn

Liên quan đến trường hợp một gia đình đã ly hôn, ông Nguyễn An Chất bày tỏ mong muốn: “Họ ly hôn vì nghi ngờ nhau, nhưng bây giờ sự việc đã được sáng tỏ thì tôi nghĩ, tất cả cơ quan chức năng nên vào cuộc, làm thế nào để giúp vợ chồng họ hàn gắn là điều tốt nhất”.

Còn chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy (Trung tâm Tư vấn tuổi trẻ hạnh phúc) cho rằng: “Các con có bị sốc hay không, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào cách giải quyết khéo léo của bố mẹ. Để con trẻ hiểu vấn đề, đầu tiên hai gia đình cùng liên hệ với nhau để thống nhất cách giải quyết. Sau đó, hai con được làm quen với hai bên gia đình, làm quen nhau, đến chơi nhà nhau thường xuyên. Gia đình hai bên cùng giải thích cho các con hiểu, bồi dưỡng thêm cho các con tình thương, các con có thêm bố mẹ”.

Chuyên gia Lê Thị Túy nhìn nhận, đây là sự cố không ai mong muốn nhưng đã có sự cố xảy ra. Các gia đình nên tìm tiếng nói chung, cùng bồi dưỡng tình yêu thương và làm quen với môi trường của nhau.

Phụ huynh cũng cần tỉ tê, tâm sự cùng các con và hãy để chúng cùng được sống trong vòng tay yêu thương của một gia đình lớn để các con ít bị bối rối, bỡ ngỡ nhất.

Như Lao Động đã đưa tin, vào đêm 31.10 (tức rạng sáng 1.1.2012 âm lịch), anh Phùng Văn Sơn (trú tại huyện Ba Vì, Hà Nội) đưa vợ đến sinh con tại BVĐK Ba Vì. Sau đó, bệnh viện đã trao nhầm hai đứa trẻ sơ sinh là con của anh Sơn và con của chị Vũ Thị H (SN 1983, trú tại huyện Ba Vì) với nhau. Sau 6 năm, sự thật bắt đầu được hé lộ khi anh Sơn nghi ngờ và quyết định đi thử ADN.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn