MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều hội nhóm với các nội dung tiêu cực đang xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội. Ảnh: Chụp màn hình.

Chuyên gia tâm lý nói về những hội nhóm độc hại trên mạng xã hội

MAI LINH LDO | 07/11/2023 15:18

Trước thực trạng tràn lan những hội nhóm mạng xã hội độc hại, theo chuyên gia tâm lý, cơ quan chức năng cần phải tăng cường hơn nữa các biện pháp ngăn chặn kỹ thuật. Đồng thời, các giải pháp chăm sóc sức khoẻ tinh thần cũng hết sức cần thiết.

Tràn lan hội nhóm độc hại

Theo ghi nhận của PV, thời gian gần đây, trên mạng xã hội đang xuất nhiều hội nhóm với những nội dung tiêu cực như: "Hội những người bị trầm cảm, rối loạn lo âu, muốn tự tử"; "Tâm sự của những người muốn tự tử"... thu hút hàng chục nghìn người tham gia.

Hầu hết những nội dung được đăng tải đều mang nội dung chán nản, buồn bực và mong muốn "kết liễu cuộc đời".

Theo khảo sát của PV, dưới các bài viết một số người sẽ có lời khuyên, chia sẻ với người đăng bài. Nhưng cũng có phần lớn người hùa theo, xúi giục tự tử, hướng dẫn đi tìm cái chết.

Đáng lo ngại hơn, còn nhiều hội nhóm khác cũng có lời nói và hành động tiêu cực như hội “nói xấu” cha mẹ với những bài đăng vô cùng tục tĩu. Trong đó, phần lớn là các bạn trẻ, chỉ vì một vài hành động của cha mẹ mà các em không thích cũng chia sẻ để câu tương tác.

Hay thậm chí, có các nhóm "vỡ nợ muốn làm liều" cũng xuất hiện tràn lan. Các bài viết trong đó chủ yếu có nội dung tìm việc làm trả nợ bất chấp pháp luật, tìm người giúp đỡ vận chuyển hàng cấm hay tìm nguồn tiền giả, tìm nơi trốn nợ,...

Chuyên gia tâm lý nói gì?

Ngày 7.11, trao đổi với PV Lao Động về vấn đề này, BS chuyên Khoa II Trần Minh Khuyên - Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 - cho rằng, những hội nhóm nêu trên đều xuất phát từ những người có tâm lý không ổn định, đăng tải những điều u sầu, xúi giục nhau làm những điều độc hại để hành hạ bản thân.

“Nhiều người không nghĩ bản thân gặp bi quan, tiêu cực là có vấn đề về sức khỏe. Đúng ra phải tìm đến chuyên gia tâm lý hoặc là nặng hơn là phải gặp bác sĩ chuyên khoa về tâm thần. Nhưng mà họ không nghĩ đó là bệnh mà chỉ nghĩ đó là vấn đề u uất gì trong nỗi lòng của mình mà không tìm đến bác sĩ.

Bởi sức khỏe về mặt tinh thần và thể chất có bị gì là phải đến gặp bác sĩ hoặc chuyên khoa để người ta giải quyết mới đúng cách” - BS Trần Minh Khuyên phân tích.

Trong khi đó, để ngăn chặn những hệ lụy không đáng có, theo PGS.TS Trần Thành Nam - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, mỗi cá nhân, gia đình cần tăng cường chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho người trẻ. Khi họ đang rơi vào trạng thái trầm cảm, không nên vào những trang mạng tiêu cực.

PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, chăm sóc sức khoẻ tinh thần là giải pháp quan trọng trước thực trạng hội nhóm độc hại tràn lan. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

“Gia đình đừng để cho trẻ tuyệt vọng. Nếu nghe thấy con thốt ra những từ ngữ "con thà chết còn hơn", cha mẹ nên tìm cách chia sẻ. Cha mẹ chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho con, giải quyết những suy nghĩ của con, dạy trẻ tự điều hoà, kỹ năng giao tiếp hiệu quả.

Nếu các bạn trẻ mất cơ hội chia sẻ cảm xúc đau khổ của mình và lên mạng tìm kiếm các hội nhóm. Nếu gặp nhóm đối tượng lệch lạc không những không khuyên ngăn, mà còn làm cho con người suy nghĩ tiêu cực sẽ khiến họ càng tuyệt vọng hơn" - ông Nam nói.

Ngoài ra, theo chuyên gia này, cơ quan quản lý nhà nước phải có đội ngũ tiền kiểm, hậu kiểm, loại bỏ những hội nhóm xấu độc, thậm chí cho vào danh sách đỏ. Cùng với đó, tích cực xây dựng có trọng tâm, đường dài, các trung tâm hỗ trợ tâm lý để tư vấn hỗ trợ cho trẻ hay những người bị ảnh hưởng tâm lý, giúp họ vượt qua những vướng mắc, khó khăn trong cuộc sống.

Mới đây, tại họp báo của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử - cho biết, cơ quan chức năng đã yêu cầu mạng xã hội Facebook chặn hàng chục nhóm liên quan đến hướng dẫn tự tử, dạy bùng nợ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn