MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trong những ngày qua, số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội tăng nhanh. Ảnh LDO

Chuyên gia y tế khuyến cáo 4 lý do Hà Nội nên cách ly F1 tại nhà

Vương Trần LDO | 16/11/2021 13:35

Hà Nội - Trước việc số ca mắc COVID-19 trong khu cách ly tập trung của Hà Nội tăng cao và diễn biến tình hình dịch bệnh hiện nay, nhiều chuyên gia khuyến cáo Hà Nội nên cho phép cách ly F1 tại nhà.

Trong 1 tuần trở lại đây, số ca mắc mới COVID-19 của TP.Hà Nội tăng nhanh chóng, số ca mắc hàng ngày đều trên 100 ca, có những ngày lên tới 200 ca bệnh. Mới nhất, ngày 15.11, thành phố ghi nhận thêm 289 ca dương tính với SARS-COV-2, trong đó có tới 178 ca trong khu cách ly. 

Trước diễn biến của dịch bệnh, TP vẫn duy trì phương án cách ly F1 tập trung trong khi một số chuyên gia khuyến cáo Hà Nội nên xem xét thí điểm cách ly F1 tại nhà.

Trao đổi với PV Lao Động, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng sự kiện khẩn cấp công cộng (Bộ Y tế) cho rằng, hiện nay theo Nghị quyết 128, các địa phương đã nới lỏng các hoạt động cũng như nới lỏng việc đi lại và chấp nhận không thể “Zero Covid”.

Vì thế, khi số ca nhiễm vẫn tiếp tục gia tăng, số F1 cũng sẽ tăng theo nên việc cách ly tại nhà rất cần thiết. Đặc biệt, trong bối cảnh Hà Nội là địa phương tiếp tục có số ca nhiễm trong cộng đồng gia tăng thời gian qua, cần phải tính toán sớm việc cách ly F1 tại nhà.

PGS.TS Trần Đắc Phu nêu 4 lý do để Hà Nội sớm thực hiện cách ly F1 tại nhà. Đó là: Bộ Y tế đã có hướng dẫn rất cụ thể cách phân biệt F0, F1, F2. Những gia đình nào có điều kiện theo đúng quy định của Bộ Y tế sẽ cách ly tại nhà để người dân thoải mái trong việc cách ly, giảm tải gánh nặng kinh tế.

Cùng với đó, việc cách ly tại nhà cũng chống nguy cơ lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung. Mặt khác, tỉ lệ bao phủ vaccine mũi 1 tại địa phương cao cũng là căn cứ để có thể thực hiện việc cách ly F1 tại nhà.

Một căn cứ khác được ông Phu phân tích đó là, hệ thống y tế cơ sở, tổ COVID-19 cộng đồng, tổ dân phố, chính quyền cấp cơ sở của thành phố Hà Nội cũng đã triển khai các hoạt động giám sát rất tốt.

“Tôi cho rằng với việc liên tục bùng những ổ dịch nhỏ, chúng ta không thể cách ly tập trung mãi. Vì thế, việc cách ly tại nhà rất thuận tiện, cần thiết. Tuy nhiên trường hợp nào không đủ tiêu chuẩn về phòng ở thì vẫn cần đưa đi cách ly tập trung”, ông Phu nói.

PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, cần phải tính đến phương án cách ly tại nhà mới có thể thích ứng được với điều kiện hiện nay, đồng thời còn tránh lây chéo trong khu cách ly. Tuy nhiên, trong trường hợp nếu không có đủ điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo cách ly tại nhà, như phòng ốc chật chội, dễ có nguy cơ lây nhiễm cho gia đình, cộng đồng thì vẫn cần cách ly tập trung.

Cùng chung quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho rằng, Hà Nội nên cho phép cách ly các trường hợp F1 tại nhà, thậm chí cả những trường hợp F0 thể nhẹ, không có triệu chứng.

Ông Nga phân tích, việc cho phép cách ly tại nhà sẽ đạt được nhiều mục đích. Thứ nhất, đảm bảo an toàn cho bản thân họ, vì vào khu cách ly tập trung nhiều nguy cơ lây nhiễm hơn. Thứ hai, đỡ tốn kém chi phí cho Nhà nước. Thứ ba, không gây nguy cơ lây lan cho người ở trong khu cách ly tập trung, đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

“Nếu nhà họ có đủ điều kiện đảm bảo cách ly được thì nên để họ cách ly tại nhà. Ở nhà ấm áp hơn, điều kiện vệ sinh tắm rửa đầy đủ hơn, có thuốc điều trị sẽ hỗ trợ họ tốt hơn”, ông Nga nói.

Theo ông Nga, đợt dịch vừa qua, nhiều nơi đã cho phép cách ly F1, thậm chí F0 thể nhẹ, không có triệu chứng ở nhà, đạt hiệu quả cao, hạn chế được lây nhiễm, không gây áp lực quá tải lên hệ thống y tế.

Để thực hiện được việc cách ly F1 tại nhà, vị chuyên gia cho rằng, lực lượng chức năng ở cơ sở cũng cần thực hiện việc giám sát theo quy định. Đồng thời có những phương án hỗ trợ người dân khi cách ly.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn