MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mẫu vật cá Thu Song được bày trong Viện hải dương học Nha Trang. Ảnh: Thu Cúc

Chuyện nghề dựng tiêu bản ở Viện Hải học Nha Trang

Hữu Long LDO | 23/01/2023 08:01

Khánh Hòa - Hơn 100 năm qua, Viện Hải dương học Nha Trang đã lưu giữ hơn 24.000 mẫu sinh vật biển với trên 5.000 loài.

Ông Lê Khả Phú - Phó phòng Quản lý chế tác và Trưng bày mẫu vật thuộc Viện Hải dương học Nha Trang là một trong những người gắn bó với Viện Hải dương và công tác thu thập mẫu vật, tiêu bản trên khắp cả nước.

Ông Phú nhớ lại vào năm 2010, người dân thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) phát hiện xác cá nhám màu đen, đốm trắng dài hơn 12m, nặng 10 tấn, đã được kéo vào bờ.

Theo đánh giá của các chuyên gia, cá nhám voi, thuộc nhóm I, nằm trong danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm nên chỉ được khai thác vì mục đích bảo tồn, nghiên cứu khoa học. Cũng chính vì giá trị của loài cá này nên tỉnh Bạc Liêu quyết giữ lại mẫu vật.

Hay tin về việc phát hiện xác cá nhám voi, ông Phú cùng đồng nghiệp tới nơi để giữ lại mẫu vật. Tại đây, lớp da cá đã bị khô cứng, bộ khung cá quá lớn. Ngay lập tức, đoàn công tác của Viện Hải dương học Nha Trang đưa ra phương án ngâm toàn bộ xác cá nhám voi vào trong hồ hoặc thấm bông tẩm nước để da mềm hơn, dễ thực hiện.

Mẫu vật cá Mú được trưng bày trong nhiều năm tại Viện Hải dương học. Ảnh: Thu Cúc

Cứ như thế, đoàn công tác phải xử lý con cá nhám voi một cách thận trọng để giữ được hình dáng chuẩn nhất.

Những nỗ lực của Viện Hải Dương học Nha Trang đã được đền đáp khi vào năm 2013, tổ chức Kỷ lục Guiness Việt Nam đã trao bằng xác lập kỷ lục "bộ da cá nhám voi lớn nhất Việt Nam" cho lăng Ông Nam Hải (thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải).

Trong suốt nhiều năm làm việc, ông Phú cùng các cộng sự còn làm nhiều mẫu vật khác phục vụ nghiên cứu và trưng bày.

Những hình ảnh về việc bàn giao bộ xương cá voi giữa tỉnh Hà Nam xưa, và đại diện Viện Hải dương ở Nha Trang vào năm 1994. Ảnh: Thu Cúc

Như vào năm 2019, Ban quản lý khu bảo tồn biển Phú Quốc tiếp nhận mẫu rùa da nặng khoảng 200kg. Sau đó, Viện Hải dương học Nha Trang được bàn giao xác rùa lưu giữ.

Ngay lập tức, ông Phú đưa mẫu vật về đất liền tách lấy da, ngâm formol trong 3 tháng để chống phân hủy. Tiếp theo, các chuyên gia bắt đầu đo kích thước, nhồi bông tạo hình mẫu vật.

Quá trình bảo tồn các mẫu vật, tiêu bản, các chuyên gia ở Viện Hải dương cũng đối mặt với khó khăn.

Bộ xương cá voi lưng gù nặng 10 tấn được Viện Hải dương học ở Nha Trang lưu giữ, bảo tồn 28 năm qua. Ảnh: Thu Cúc

Ông Bùi Quang Nghị - nghiên cứu viên - đánh giá, yếu tố thời gian là điều quan trọng nhất để tạo ra một tiêu bản. Khi con vật chết, bước đầu tiếp nhận, thao tác để giữ lớp da thì mới tác phẩm đẹp. Nếu để lâu, da phân hủy thì chỉ làm tiêu bản xương, nhưng vài trường hợp động vật thuộc lớp sụn mà không giữ được da thì bất lực.

Tại Viện Hải dương học Nha Trang, ngoài công việc thu thập, phục dựng tiêu bản, mọi người ở đây còn phải tổ chức bảo quản, xử lý mẫu vật tránh hư hại theo thời gian.

Chị Vũ Thị Liễu - nhân viên phòng Quản lý chế tác và Trưng bày mẫu vật kể lại, hằng ngày chị thường xuyên đi kiểm tra những lọ thủy tinh chứa mẫu vật. Chị Liệu chia sẻ, đối với các mẫu vật, chị sử dụng kỹ thuật cố định cho thẳng rồi đổ hóa chất vào ngâm để bảo quản được lâu nhất.

Trong hơn 100 năm qua, nhờ những nỗ lực của tập thể nhân viên, nhà khoa học tại Viện Hải dương học Nha Trang nên chúng ta vẫn còn lưu giữ được nhiều mẫu vật quý giá, có nguy cơ tuyệt chủng cao. Đến nay, Viện Hải dương vẫn đang lưu giữ hàng chục nghìn mẫu sinh vật biển với hơn 5.000 loài. Số lượng các mẫu vật, tiêu bản vẫn tiếp tục được tăng theo thời gian.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn