MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngôi mộ nằm giữa tuyến đường liên vùng 1.900 tỉ đồng. Ảnh: Tô Công.

Chuyện ngôi mộ tổ nằm giữa tuyến đường 1.900 tỉ đồng ở Phú Thọ

Tô Công LDO | 09/11/2023 14:42

Phú Thọ - Nằm giữa tuyến đường liên vùng trị giá 1.900 tỉ đồng, đoạn qua xã Sơn Tình, huyện Cẩm Khê, ngôi mộ cổ 9 đời nhà họ Hoàng là công trình khiến các cơ quan chức năng gặp khó khăn nhất trong việc giải phóng mặt bằng.

Tuyến đường giao thông liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 70B, Quốc lộ 32C tỉnh Phú Thọ đi tỉnh Yên Bái sau nhiều tháng thi công nay đã thành hình.

Tưởng rằng, việc giải tỏa ngôi nhà của ông Đỗ Hải Lý tại xã Đồng Lương (huyện Cẩm Khê) là khó khăn nhất trên tuyến đường này, thế nhưng, giải tỏa ngôi mộ tại xã Sơn Tình (huyện Cẩm Khê) còn khó khăn hơn.

Đến xã Sơn Tình, huyện Cẩm Khê vào những ngày đầu tháng 11, phóng viên Báo Lao Động ghi nhận, tuyến đường liên vùng trị giá 1.900 tỉ đồng đi qua địa bàn xã này chỉ dài khoảng 1,5km. Tuy nhiên, tại xóm Cánh 2, vẫn còn một ngôi mộ nằm giữa tuyến đường chưa được di dời.

Ngôi mộ nằm chính giữa tuyến đường. Ảnh: Tô Công.

Ông Nguyễn Văn Phượng, trưởng xóm Cánh 2 chia sẻ: "Đây là ngôi mộ tổ 9 đời nhà họ Hoàng, liên quan đến gia đình ông Hoàng Văn Luận. Từ năm 2020, khi dự án đường bắt đầu triển khai, chính quyền huyện, xã đã liên tục đến nhà tuyên truyền, vận động nhưng ông Luận không đồng ý di dời ngôi mộ".

Đến UBND xã Sơn Tình để tìm hiểu, phóng viên được ông Trần Văn Đức - Phó Chủ tịch UBND xã tiếp. Có thể nói, ông Đức là người nắm rõ nhất về ngôi mộ tổ tại xóm Cánh 2, cũng như hiểu rõ nhất về sự khó khăn trong việc vận động giải tỏa ngôi mộ.

Gia đình ông Luận nhất quyết không đồng ý di dời mộ. Ảnh: Tô Công.

Ông Đức kể: "Khu đất có ngôi mộ trước kia là một cái gò, trong bản đồ 299 là đất hoang, toàn là đá không thể canh tác. Nhưng ông nội tôi (sinh năm 1916) đã cải tạo đất nhiều năm và đã trồng được lạc, sắn. Lúc đó, ngôi mộ giống như một đống mối, gia đình tôi cứ làm đất, xới cỏ là sẽ đắp thêm vào đó. Năm 2009, tôi xin được cắt đất ở tại đây, nhưng vì hiến đi nhiều đất để làm đường nên tổng diện tích chỉ còn khoảng 1.000m2.

Đến năm 2017, hộ ông Hoàng Văn Luận đến để xây mộ, tôi đã thỏa thuận với ông Luận là di chuyển mộ đến nơi khác và tôi sẽ chịu toàn bộ chi phí, thế nhưng, ông Luận không nhất trí. Năm 2020, khi triển khai dự án, thửa đất của tôi bị cắt đôi, 2 bên đường tôi chỉ còn một chút đất rất hẹp, nhưng ngôi mộ vẫn chưa thể di dời".

Mảnh đất của ông Đức đã bị cắt đôi bởi con đường, nhưng ngôi mộ vẫn còn đó. Ảnh: Tô Công.

Ông Đức chia sẻ thêm, trong khu đất còn rất nhiều ngôi mộ khác, chủ yếu là liên quan đến gia đình ông Đức, nhưng đều đã được ông đồng ý giải tỏa và đã di dời đến nơi khác. Còn về ngôi mộ 9 đời nhà họ Hoàng, từ năm 2020 đến nay, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động rất nhiều lần nhưng ông Luận không đồng ý.

"Kể cả anh em các chi trong họ (có 5 chi họ Hoàng, 4 chi tại xã Sơn Tình, 1 chi tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) của gia đình ông Luận không ai phản đối, họ còn khuyên ông Luận đồng ý giải tỏa ngôi mộ vì cái chung. Thế nhưng, ông Luận nhất quyết không đồng ý, bây giờ cũng rất khó để gặp mặt được ông Luận vì nhà hay đóng cửa, ông ấy đã xuống Hà Nội ở cùng con gái" - ông Đức chia sẻ.

Mới đây, chủ ngôi nhà nằm giữa tuyến đường tại xã Đồng Lương đã đồng ý nhận tiền đền bù. Ảnh: Tô Công.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 24.10, UBND huyện Cẩm Khê đã có Quyết định số 2784 về việc kiểm đếm bắt buộc đối với ngôi mộ tổ nêu trên. Theo kế hoạch, đến ngày 8.11, việc kiểm đếm bắt buộc sẽ hoàn thành.

Trước đó, từ ngày 30.10, Báo Lao Động đã xuất bản loạt 8 bài viết về ngôi nhà của ông Đỗ Hải Lý tại xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê chặn giữa tuyến đường liên vùng. Đến ngày 7.11, ông Lý đã đồng ý nhận kinh phí đền bù, hỗ trợ và giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn