MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cụ Hoàng Ngọc năm nay đã 88 tuổi và là người cuối cùng ở đất Tân Trào (Tuyên Quang) từng được gặp Bác Hồ. Ảnh: Nguyễn Tùng.

Chuyện người cuối cùng trên đất chiến khu từng gặp Bác Hồ

Nguyễn Tùng LDO | 19/08/2024 15:03

Tuyên Quang - Đã 79 năm trôi qua, những câu chuyện về Bác Hồ và không khí sục sôi ngày Tổng khởi nghĩa vẫn vẹn nguyên trong ký ức người dân chiến khu Tân Trào.

Ở Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang), người ta vẫn nhắc đến cụ Hoàng Ngọc như một nhân chứng sống cuối cùng trên mảnh đất này đã từng được gặp Bác Hồ và chứng kiến khí thế hào hùng của những ngày Tổng khởi nghĩa.

Đầu tháng 8.2024 chúng tôi gặp cụ Ngọc khi cụ vừa bước sang tuổi 88 nhưng ánh mắt vẫn tinh tường, giọng nói vang xa, cùng thế hệ với cụ ở đất này gần như không còn ai. Cụ Hoàng Ngọc từng là thành viên đầu tiên của Đội Nhi đồng cứu quốc được Bác Hồ giao nhiệm vụ làm "tai mắt" cho Quốc dân Đại hội.

"Ngày ấy vùng đất này hẻo lánh nằm trọn trong cánh rừng già không mấy khi có người lạ tới. Bởi vậy, cuối tháng 5.1945 khi đoàn cán bộ về làng, từ già đến trẻ háo hức ra đón, trong đoàn có một ông cụ dáng người mảnh dẻ, chòm râu thưa đen nhánh và đôi mắt sáng, mãi về sau dân làng mới biết đó là Bác Hồ" - cụ Ngọc nhớ lại.

Ngày gặp Bác Hồ, cụ Ngọc mới 9 tuổi và được Bác giao nhiệm vụ tìm thêm mấy bạn nhỏ để thành Đội Nhi đồng cứu quốc với việc làm cảnh giới người lạ vào làng trong lúc đi chăn trâu cắt cỏ.

Cụ Hoàng Ngọc với tấm ảnh được chụp chung với Bác Hồ. Ảnh: Nguyễn Tùng.

Đôi tay khéo léo luồn từng lạt tre, cụ Ngọc kể lại: "Ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc quân lệnh và làm lễ xuất quân tiến về Thái Nguyên mở đầu cho Tổng khởi nghĩa, cả làng cùng đứng nghe, sục sôi khí thế cách mạng với niềm tin chiến thắng".

"Bao thế hệ người làng Tân Trào lớn lên trên mảnh đất này vẫn mang trong mình lòng tự hào về mảnh đất đã từng đón Bác Hồ và che chở cho cách mạng, tôi mong những câu chuyện ấy mãi được kể lại", cụ Ngọc nói cùng ánh mắt nhìn về xa xăm.

Với chị Hồ Nguyệt Nga (TP Hà Nội) đến Tân Trào và gặp nhân chứng sống như cụ Hoàng Ngọc là một trải nghiệm đáng nhớ.

Chị Nga cho biết: "Lịch sử có thể tìm hiểu qua sách vở nhưng trực tiếp được nghe cụ Ngọc kể chuyện mới thấy lịch sự thật sinh động. Tôi tin các bạn trẻ sẽ có thêm niềm tự hào về lịch sử của dân tộc và thế hệ cha anh khi đến với mảnh đất này".

Màu của sự no ấm hiện hữu trên mảnh đất chiến khu Tân Trào. Ảnh: Nguyễn Tùng.

Từ một miền quê còn nhiều khó khăn, ngày nay Tân Trào đã thay da đổi thịt, cuộc sống của người dân được nâng lên từng ngày cùng với hệ thống hạ tầng điện, đường, trường trạm khang trang. Đó cũng là mong ước của cụ Ngọc và nhiều thế hệ người dân Tân Trào.

Trao đổi với PV, ông Hoàng Đức Soài - Chủ tịch UBND xã Tân Trào cho biết, toàn xã đã không còn nhà tạm, nhà dột nát. Đồng bào đã phát triển kinh tế bền vững theo hướng nông nghiệp, du lịch, dịch vụ giữ gìn bản sắc, lịch sử của vùng đất chiến khu.

"Hiện nay, hơn 80% hộ dân trong xã có mức sống từ trung bình đến khá. Trong năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 55 triệu đồng, chúng tôi phấn đấu con số này sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới", ông Soài cho hay.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến, cả vùng đất Việt Bắc rộng lớn từ Tân Trào kéo sang Định Hoá (Thái Nguyên) đã trở thành nơi ở và làm việc của Bác và Trung ương, cái tên "Thủ đô kháng chiến" bắt nguồn từ đó.

Trong 9 năm chống Pháp, Bác đã ở Tuyên Quang gần 6 năm với 47 địa điểm khác nhau.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn