MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phóng viên tác nghiệp tại bản Táu Nà, xã Cun Pheo, huyện Mai Châu, Hòa Bình. Ảnh: Khánh Linh

Chuyện nhà báo đi “trả nợ” đồng bào trên rẻo cao Tây Bắc

Khánh Linh LDO | 21/06/2023 07:24

Hành trình tác nghiệp tại vùng cao, biên giới Tây Bắc là những tháng ngày đầy vất vả nhưng rất đỗi tự hào của một phóng viên trẻ.

Đầu tháng 3.2022, khi về công tác tại Báo Lao Động, tôi được phân công cùng phóng viên Minh Chuyên phụ trách 2 tỉnh Hòa Bình - Sơn La. Từ đó, hành trình đi để “trả nợ” đồng bào của một phóng viên trẻ bắt đầu.

Nhắc đến Tây Bắc, người ta thường nghĩ đến những bản vùng cao lưng chừng núi, mây bay ngang đầu, núi cao lô nhô, thơ mộng, trữ tình. Nhưng quả thực, được đi, được thấy những mảnh đời, những cuộc sống tận cùng của sự đói nghèo, những đứa trẻ không đủ cơm ăn, áo mặc, những đôi chân co ro, tím tái trong cái lạnh cắt da của miền Tây Bắc, tôi hiểu rằng mình cần làm nhiều hơn thế nữa.

Có lẽ, chuyến đi để lại ấn tượng nhiều nhất trong tôi, đó là chuyến công tác ở khu dân cư Suối Rằm, bản Táu Nà, xã Cun Pheo, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình vào cuối tháng 11.2022.
Đây là nơi ở của những hộ gia đình xâm canh, xâm cư từ huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La và 2 xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Những phận đời lầm lũi, không tấc đất cắm dùi, không giấy tờ tuỳ thân, không bảo hiểm y tế, con trẻ không được đi học.

Tôi nhớ như in vẻ mặt ái ngại của vị chủ tịch UBND xã Cun Pheo, ông Lò Văn Thiên ở thời điểm đó, khi tôi ngỏ ý muốn vào mục sở thị bản “nhiều không”, nơi thường được người dân xã Cun Pheo gọi là “người ngoài hành tinh” do họ không có bất cứ giấy tờ hợp pháp nào trên mảnh đất này.

Nhưng phần vì tò mò, lại không muốn bỏ cuộc giữa chừng khi đã mất công đến xã từ ngày hôm trước, tôi vẫn quyết tâm vào bằng được nơi này. Mua ít bánh kẹo cho lũ trẻ, ngồi sau xe chú Hanh - một thổ địa vùng này, chúng tôi bắt đầu chuyến hành trình đến với vùng đất “khó”.

Được biết, nơi đây hiện có 50 hộ người dân tộc Mông từ các địa phương du canh du cư đến làm nương rẫy. Trong đó, 31 hộ, 167 khẩu là người dân của xã Hang Kia, huyện Mai Châu. Còn lại, 19 hộ, 115 khẩu là người của xã Hua Nhàng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Hiện, tất cả đang sinh sống và canh tác nhờ trên diện tích đất của Công ty xuất nhập khẩu Mai Bình.

Khi bài viết được đăng tải trên Báo Lao Động điện tử, không ít nhà hảo tâm đã có những chuyến từ thiện đến đây giúp đỡ bà con.

Đặc biệt, đích thân ông Bùi Đức Hinh - Phó Bí thư Tỉnh uỷ Hòa Bình, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đoàn công tác đã khảo sát, nắm tình hình, giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc di cư tự do và xây dựng khu tái định cư tại xóm Táu Nà, xã Cun Pheo để giải quyết chỗ ở cho người dân nơi đây.
Một lớp học xóa mù chữ ngay sau đó cũng được mở trên đỉnh núi để dạy chữ cơ bản cho những đứa trẻ.

Hơn 1 năm bám bản, bám mường trên miền Tây Bắc, với những bài viết được đăng tải, đã có những mảnh đời khó khăn được giúp đỡ, những cây cầu được nối đôi bờ vui, những con đường lên vùng cao được nâng cấp.

Những bức xúc trong dân được chính quyền sở tại quan tâm, tháo gỡ và uy tín của Báo Lao Động trong đồng bào vùng cao cũng được nâng lên, đó là hạnh phúc của một phóng viên trẻ mới vào nghề.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn